Lịch nghỉ lễ Giáng sinh của người lao động công giáo được pháp luật quy định ra sao?
Lịch nghỉ lễ Giáng sinh của người lao động công giáo như thế nào?
Từ năm 1946, lễ Giáng sinh hay còn gọi là Thiên Chúa giáng sinh (Noel) đã được quy định trong Sắc lệnh số 22/SL về việc ấn định những ngày tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo do Chủ tịch nước ban hành (đã hết hiệu lực)
Tại Sắc lệnh này, ngày lễ Giáng sinh được xem là Lễ chính thức, ngày nghỉ Tết, Kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo. Vào ngày 25/12 hằng năm, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực.
Lịch nghỉ lễ Giáng sinh của người lao động công giáo vào ngày 25/12 vẫn được tiếp tục quy định trong suốt khoảng thời gian dài trong các sắc lệnh, nghị định, thông tư cụ thể:
Sắc lệnh số 29/SL về việc quy định những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân người Việt nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành (có hiệu lực ngày 27/03/1947). Ở sắc lệnh này thì tất cả công nhân đều được nghỉ và hưởng nguyên lương.
Nghị định 338-TTg năm 1957 Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công trong thời kỳ kiến thiết hoà bình do Hội đồng Chính phủ ban hành (có hiệu lực ngày 11/08/1957). Ở nghị định này thì chỉ có dân công công giáo mới được nghỉ.
Nghị định 028-TTg năm 1959 quy định những ngày lễ được nghỉ có lương và ban hành chế độ nghỉ hàng năm và chế độ nghỉ phép do Thủ Tướng ban hành (có hiệu lực ngày 12/02/1959). Với nghị định này thì toàn thể cán bộ, công nhân viên chức được nghỉ việc có lương.
Thông tư liên bộ 07-TT/LB năm 1966 quy định một số quyền lợi của người đi làm nghĩa vụ dân công thời chiến do Bộ Lao động - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực ngày 24/05/1966) thì dân công theo đạo Thiên chúa được nghỉ và được trợ cấp.
Thông tư 05-LĐ/TT-1971 hướng dẫn về chế độ nghỉ ngơi của công nhân, viên chức do Bộ Lao động ban hành (có hiệu lực ngày 21/05/1971). Ngày 25/12 công nhân viên chức được nghỉ và có hưởng lương.
Tuy nhiên, các sắc lệnh, nghị định, thông tư này đã hết hiệu lực và không còn phù hợp. Pháp luật hiện hành cũng không còn quy định về lễ Giáng sinh là ngày nghỉ chính thức mà người lao động được nghỉ trong năm.
Như vậy, có thể thấy lễ Giáng sinh đã được nằm trong quy định pháp luật từ lâu và cũng thấy được sự quan tâm của nhà nước về ngày nghỉ, lễ của người lao động qua từng thời kỳ và nó được điều chỉnh để phù hợp hơn với sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội quốc gia.
Lịch nghỉ lễ Giáng sinh của người lao động công giáo được pháp luật quy định ra sao? Năm 2023 người công giáo có được nghỉ làm để đón Giáng sinh?
Năm 2023 người công giáo có được nghỉ làm để đón Giáng sinh?
Lễ Noel 2023 chính thức được cử hành vào đêm Chủ Nhật ngày 24/12 đến hết Thứ Hai ngày 25/12/2023 theo lịch dương.
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết người lao động được hưởng nguyên lương gồm có:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch).
- Tết Âm lịch: 05 ngày.
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch.
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy có thể thấy, ngày lễ Giáng sinh không nằm trong danh sách này nên người lao động (không phân biệt người lao động công giáo) sẽ không được nghỉ lễ hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu nghỉ vào ngày lễ Giáng sinh (Lễ Noel) thì người lao động có thể làm đơn xin nghỉ có hưởng lương (trường hợp còn ngày nghỉ phép năm theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019) hoặc nghỉ không hưởng lương (trường hợp hết ngày nghỉ phép năm theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019).
Công ty có phải tổ chức lễ Giáng sinh cho người lao động không?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động trong đó không có nghĩa vụ về việc tổ chức các hoạt động giải trí bao gồm lễ Giáng sinh cho người lao động.
Dù không bắt buộc nhưng người sử dụng lao động vẫn có thể tổ chức lễ Giáng sinh như một chế độ phúc lợi cho nhân viên.