Lịch mở bán vé tàu Tết 2024 cho tập thể? Người lao động có được doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu Tết về quê không?
Lịch mở bán vé tàu Tết 2024 cho tập thể?
Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn vừa có thông tin về việc đăng ký mua vé tập thể đi tàu tết Giáp Thìn 2024.
Theo đó, thời gian nhận đăng ký là từ nay đến 16 giờ ngày 10-10. Dự kiến thời gian bán vé từ 8 giờ ngày 15-10 đến ngày 22-10.
Theo Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, các đơn vị thuộc lực lượng Vũ trang nhân dân, Trường Đại học, Cao đẳng, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, các Tổ chức xã hội, các đơn vị trong ngành đường sắt, sẽ được ưu tiên đăng ký mua vé tập thể.
Vé tàu Tết được đăng ký cả lượt đi và lượt về, mỗi lượt mua từ 5 vé trở lên. Thủ tục đăng ký mua vé đối với tập thể gồm giấy giới thiệu, danh sách mua vé và bảng tổng hợp lượt đi, lượt về theo mẫu.
“Danh sách cần ghi rõ, chính xác họ và tên, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân của người đi tàu (CCCD, giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi…). Đặc biệt là thông tin xuất hoá đơn giá trị gia tăng (nếu có)” - đơn vị này lưu ý.
Hành khách có nhu cầu mua vé có thể đến các nhà ga, đại lý của ngành đường sắt hoặc mua tại website dsvn.vn, vetau.com.vn; giare.vetau.vn; app bán vé tàu trên thiết bị di động. Mua qua ứng dụng ví điện tử Momo, ViettelPay... hoặc gọi tổng đài bán vé 19001520 (TP.HCM), 0258.3822113 (Nha Trang), 0236.3823810 (Đà Nẵng), 024.38220202 (Hà Nội).
Xem chi tiết thông tin tại: http://saigonrailway.com.vn/nhan-dang-ky-mua-ve-tap-the-tau-tet-nguyen-dan-giap-thin-2024-569-25.html
Xem thêm: Lịch nghỉ Tết năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thế nào?
Lịch mở bán vé tàu Tết 2024 cho tập thể? Người lao động có được doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu Tết về quê không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu Tết về quê không?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Như vậy, doanh nghiệp không có nghĩa vụ hỗ trợ vé tàu Tết cho người lao động. Việc thưởng Tết cho người lao động là quyền của doanh nghiệp, dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Doanh nghiệp có thể thưởng Tết cho người lao động bằng tiền, hiện vật hoặc các hình thức khác (ví dụ như thưởng vé tàu, xe, máy bay,...).
Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể được nhận khoản tiền tàu xe khi về quê đón Tết trong các trường hợp sau đây:
- Công đoàn hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động từ quỹ tài chính công đoàn. Việc hỗ trợ này không bắt buộc và phụ thuộc vào quyết định từ phía công đoàn.
- Doanh nghiệp tự nguyện hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động theo thỏa thuận giữa các bên. Một số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức này để khích lệ và giữ chân người lao động.
Miễn, giảm giá vé tàu đối với những ai?
Căn cứ Điều 23 và Điều 24 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 23. Đối tượng được giảm giá vé
1. Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945.
2. Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
3. Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh.
4. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
5. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.
6. Người cao tuổi.
7. Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Miễn, giảm giá vé cho từng đối tượng chính sách xã hội
1. Giảm giá vé áp dụng cho các đối tượng sau:
a) Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng;
b) Mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc hóa học;
c) Giảm giá vé cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và người cao tuổi.
2. Việc giảm giá vé quy định tại Khoản 1 Điều này được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà đối tượng sử dụng.
3. Việc miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội quy định tại Điều 23 khi đi tàu khách liên vận quốc tế được thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Mức miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội quy định tại Khoản 7 Điều 23 thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về miễn vé: miễn vé áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 02 (hai) đối tượng miễn vé đi cùng.
Về giảm vé: Các đối tượng được giảm giá vé:
- Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc hóa học;
- Giảm giá vé cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và người cao tuổi.
Lưu ý: Việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà đối tượng sử dụng.