Lễ Phục sinh là ngày gì? Đây có phải ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương của người lao động không?
Lễ Phục sinh là ngày gì?
Easter - Lễ Phục Sinh là một lễ hội của Kito giáo được tổ chức hàng năm để kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giêsu. Lễ Phục Sinh không diễn ra vào một ngày cố định mà được tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau đêm trăng tròn của xuân phân. Thời gian này được tính dựa trên lịch Gregorian của các nhà thờ phương Tây. Ngày tổ chức Lễ Phục sinh cũng được gọi là Ngày Chủ Nhật Phục Sinh.
Ý nghĩa của ngày Lễ Phục Sinh gắn liền với nguồn gốc trong tôn giáo. Theo Kinh Tân Ước, Chúa Giêsu bị chính quyền La Mã bắt giữ và coi ngài là mối đe dọa với đế chế này. Sau đó, Chúa bị kết án tử hình bằng cách đóng đinh trên cây thập tự giá (vào ngày Thứ Sáu của Tuần Thánh)
Sau đó 3 ngày, tức là vào Chủ Nhật, Chúa Giêsu đã sống lại (phục sinh) và chứng minh rằng mình là con trai của Thượng Đế. Ngày Lễ Phục Sinh được tổ chức hàng năm để tôn vinh sự chiến thắng của Chúa Giêsu trước cái chết. Đây cũng là biểu tượng niềm tin mãnh liệt của tín đồ đối với giáo lý và những lời rao giảng của Ngài.
Lễ Phục sinh 2024 rơi vào Chủ nhật, ngày 31 tháng 3.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Lễ Phục sinh là ngày gì? Đây có phải ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương của người lao động không? (Hình từ Internet)
Lễ Phục sinh có phải ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương của người lao động không?
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Ngoài ra căn cứ tại quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
...
Và tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
...
Theo đó, trong những trường hợp nghỉ hưởng nguyên lương theo ngày nghỉ lễ, tết không có trường hợp quy định người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày Lễ Phục sinh.
Như vậy, người lao động sẽ không được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày Lễ Phục sinh.
Tuy nhiên, người lao động có thể sử dụng ngày nghỉ phép năm của mình để được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày này.
Bên cạnh đó, nếu ngày Lễ Phục sinh trùng vào các các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động vẫn sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương.
Làm việc vào các ngày nghỉ lễ thì người lao động được nhận mức lương như thế nào?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động đi làm dịp lễ thì được hưởng mức lương như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.