Lao động nữ nghỉ thai sản thì có phải đóng BHXH tháng nghỉ việc không?
Lao động nữ nghỉ thai sản thì có phải đóng BHXH tháng nghỉ việc không?
Tại khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
...
Theo đó, thời gian lao động được nghỉ việc và hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng vẫn được tính là khoảng thời gian người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, khi nghỉ chế độ này, lao động và người sử dụng lao động sẽ không phải đóng BHXH.
Như vậy, nếu thời gian nghỉ thai sản của người lao động mà ít hơn 14 ngày thì cả lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH trong tháng nghỉ việc đó.
Trường hợp người lao động có thời gian nghỉ thai sản từ 14 ngày trở lên thì lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Lao động nữ nghỉ thai sản thì có phải đóng BHXH tháng nghỉ việc không?
Lao động nữ nghỉ thai sản thì công ty có phải báo giảm lao động hay không?
Tại khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội
1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
...
Theo nội dung hướng dẫn về quy trình báo giảm lao động được quy định tại Thủ tục 1.3 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, trong trường hợp người lao động nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, ngừng việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì doanh nghiệp phải thực hiện báo giảm lao động.
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nghỉ thai sản là một trong những chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nhận.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
...
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
...
Theo đó, khi người lao động đang nghỉ thai sản thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày nghỉ này.
Như vậy, để không phải thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục báo giảm lao động đối với các trường hợp nghỉ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Lao động nữ sau khi nghỉ thai sản phải làm việc với mức lương thấp hơn có đúng không?
Tại Điều 140 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản
Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Theo đó, lao động nữ sau khi nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc sẽ được bảo đảm việc làm cũ mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.
Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.