Lao động nữ được khám phụ khoa những nội dung nào khi khám sức khỏe định kỳ?
Lao động nữ được khám phụ khoa những nội dung nào khi khám sức khỏe định kỳ?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 36 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định như sau:
Nội dung khám sức khỏe
...
4. Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại Phụ lục số XXV ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Phải khám đầy đủ các nội dung theo từng chuyên khoa. Trường hợp khó cần hội chẩn hoặc chỉ định làm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định và mức độ bệnh, tật làm cơ sở phân loại sức khoẻ.
6. Đối với trường hợp khám sức khỏe theo yêu cầu chỉ khám, kết luận đối với từng chuyên khoa theo yêu cầu và không phân loại sức khỏe.
Dẫn chiếu đến thông tin tại Phụ lục số XXV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT, những mục nằm trong danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ được Bộ Y tế quy định, trong đó lao động nữ sẽ được khám phụ khoa những nội dung chính bao gồm:
- Khám vùng bụng dưới và vùng bẹn.
- Khám bộ phận sinh dục ngoài.
- Khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường.
- Khám âm đạo phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
- Khám trực tràng phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
Lao động nữ được khám phụ khoa những nội dung nào khi khám sức khỏe định kỳ?
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ thế nào?
Căn cứ theo Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Như vậy lao động nữ nói riêng và người lao động nói chung sẽ được tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong năm.
Đối với người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Đối với lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ còn được khám chuyên khoa phụ sản, trường hợp làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp thì còn được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Công ty giữ hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của người lao động trong bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập, quản lý hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp và lưu giữ trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; trả hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động khi người lao động chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ.
2. Phối hợp với các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.
3. Tạo điều kiện cho người lao động đi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.
4. Hoàn chỉnh hồ sơ và giới thiệu người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đi khám giám định trong thời gian 20 ngày làm việc sau khi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng đối với những bệnh nghề nghiệp có khả năng điều trị hoặc sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với những bệnh không có khả năng điều trị.
5. Thực hiện cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định.
6. Bố trí sắp xếp vị trí làm việc phù hợp với sức khỏe người lao động.
7. Cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp với Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp.
8. Báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
9. Trường hợp có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, cơ sở có trách nhiệm:
a) Khai báo bệnh nghề nghiệp theo quy định của Thông tư này;
b) Thông báo đầy đủ về tình hình bệnh nghề nghiệp tới người lao động thuộc cơ sở của mình nhằm ngăn chặn những bệnh nghề nghiệp tái diễn xảy ra;
c) Tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì công ty phải lưu trữ hồ sơ đối với hồ sơ sức khỏe trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị và trả hồ sơ khi người lao động chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ.