Không nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5 nếu người lao động thuộc trường hợp nào?
Không nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5 nếu người lao động thuộc trường hợp nào?
Theo Thông báo 1570/TB-BLĐTBXH năm 2024 việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn 2450/VPCP-KGVX ngày 12 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024 thì các đối tượng người lao động áp dụng lịch nghỉ lễ có nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5 gồm:
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là công chức, viên chức) được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4/2024) sang ngày thứ Bảy (04/5/2024).
Như vậy không nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5 nếu người lao động thuộc trường hợp có đủ 2 yếu tố như sau:
- Người lao động không phải cán bộ, công chức, viên chức hoặc không phải là người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Và nơi người lao động đang làm việc không quy định hay thỏa thuận về việc người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5.
Xem đầy đủ Thông báo 1570/TB-BLĐTBXH năm 2024: Tại đây
Xem đầy đủ Công văn 2450/VPCP-KGVX năm 2024: Tại đây.
Không nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5 nếu người lao động thuộc trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Người lao động tham gia lễ hội có các quyền và trách nhiệm gì không?
Theo Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định:
Quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội
1. Người tham gia lễ hội có các quyền sau
a) Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;
b) Thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;
c) Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.
2. Người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau
a) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
b) Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
c) Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;
d) Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
đ) Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
e) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 2 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Theo đó người lao động tham gia lễ hội có các quyền và trách nhiệm sau:
- Về quyền của người lao động khi tham gia lễ hội:
+ Người lao động có quyền thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;
+ Thể hiện các mong muốn điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;
+ Được quyền giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.
- Về trách nhiệm của người lao động khi tham gia lễ hội:
+ Người lao động cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
+ Phải ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; mặc trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không được nói tục hay chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
+ Khi thắp hương, đốt vàng mã thì phải đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy dẫn đến mất trật tự an ninh; phỉa có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường;
+ Không được tổ chức hoặc tham gia vào các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Không được thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
+ Nếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP thì người lao động còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; người lao động không được dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Người lao động đi làm vào ngày lễ 30/4, 1/5 được nhận mức lương bao nhiêu?
Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó nếu người lao động đi làm vào ngày lễ 30/4, 1/5 sẽ được hưởng mức lương như sau:
- Nếu người lao động làm việc vào ban ngày thì sẽ nhận ít nhất 400% lương.
- Nếu người lao động làm việc vào ban đêm thì sẽ nhận ít nhất 490% lương.