Hướng dẫn viết Giấy xác nhận công tác năm 2024 chuẩn xác hiện nay?
Hướng dẫn viết Giấy xác nhận công tác năm 2024 chuẩn xác hiện nay?
Giấy xác nhận công tác là một văn bản xác nhận thời gian công tác, làm việc của một người lao động tại đơn vị. Giấy xác nhận công tác thường được sử dụng cho các mục đích như làm visa, vay vốn ngân hàng, chứng minh tài chính, du học,…
Giấy xác nhận công tác thường được ký và đóng dấu bởi người có thẩm quyền trong công ty hoặc tổ chức.
Hiện nay Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan không quy định mẫu giấy xác nhận không tác, có thể tham khảo mẫu và cách viết sau đây:
Tải Mẫu giấy xác nhận công tác: Tại đây
Hướng dẫn viết Giấy xác nhận công tác
1. Phụ thuộc vào việc người lao động đã/đang làm việc cho doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức, có thể gửi tới Ban Giám đốc hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
2. Người khai ghi cụ thể địa chỉ nơi đăng ký thường trú/tạm trú của mình: xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
3. Tương tự mục (1), có thể là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tuy nhiên, người khai phải ghi đúng tên công ty, cơ quan, tổ chức theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập.
4. Ghi đúng địa chỉ trụ sở theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập.
5. Ghi số điện thoại cố định của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
6. Ghi cụ thể phòng, ban, bộ phận làm việc của người khai.
7. Ghi cụ thể chức danh, chức vụ của người khai: trưởng phòng, phó phòng, nhân viên, chuyên viên,…
8. Nếu không làm việc theo một trong những hợp đồng nêu trên, người khai phải ghi rõ hình thức làm việc của mình: hợp đồng lao động theo mùa vụ, hợp đồng lao động theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng cộng tác viên,…
9. Trong quá trình làm việc, trong nội bộ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, người lao động có thể được thuyên chuyển, điều động làm việc ở nhiều ví trí, nhiều bộ phận khác nhau. Chính vì vậy, người khai nên ghi chi tiết thời gian làm việc cho từng vị trí, bộ phận.
10. Tùy thuộc vào mục đích của người xin xác nhận, có thể là: xác nhận kinh nghiệm làm việc, chứng minh tài chính, làm hồ sơ du học, làm visa du lịch, vay vốn ngân hàng,…
Hướng dẫn viết Giấy xác nhận công tác năm 2024 chuẩn xác hiện nay? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có được điều chuyển công tác người lao động sang nơi khác làm việc không?
Căn cứ theo Điều 28 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động
Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Căn cứ Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.
Theo đó, công ty chỉ được quyền điều chuyển công tác người lao động trong những trường hợp nhất định được quy định như trên.
Như vậy, nếu công ty muốn điều chuyển công tác người lao động sang chi nhánh khác thì phải thuộc trường hợp quy định theo pháp luật hoặc do các bên có thoả thuận.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động?
Căn cứ Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
1. Phân biệt đối xử trong lao động.
2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Theo đó, 7 hành vi nêu trên là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động.