Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non theo Dự thảo Luật Nhà giáo là gì?
Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non theo Dự thảo Luật Nhà giáo là gì?
Theo Nghị quyết 95/NQ-CP năm 2023, Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.
Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 8 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định như sau:
Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo
1. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức, sản sinh tri thức, rèn luyện phẩm chất và năng lực người học; đòi hỏi tính gương mẫu, tự giác, linh hoạt và sáng tạo cao.
2. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo thực hiện theo năm học hoặc khóa học bao gồm các hoạt động trước, trong và sau thời gian lên lớp; các hoạt động học tập, bồi dưỡng bắt buộc; nghiên cứu khoa học; các hoạt động chuyên môn, hành chính; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác.
3. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo:
a) Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi trẻ, hình thành nền móng ban đầu của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một;
b) Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên tiểu học là giáo dục, giảng dạy một hoặc một số môn học trong cơ sở giáo dục tiểu học, hướng tới phát triển toàn diện đối với học sinh tiểu học, giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt;
c) Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở là giáo dục, giảng dạy một hoặc một số môn học trong cơ sở giáo dục trung học cơ sở để giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp trung học cơ sở, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động;
...
Theo đó, hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non là:
- Nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non;
- Giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ;
- Khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi trẻ;
- Hình thành nền móng ban đầu của nhân cách;
- Chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một.
Xem chi tiết Dự thảo Luật Nhà giáo: TẢI VỀ
Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non theo Dự thảo Luật Nhà giáo là gì?
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ bao nhiêu tuổi theo Dự thảo Luật Nhà giáo?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 46 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định như sau:
Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo
1. Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;
2. Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.
3. Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Theo đó, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi.
Giáo viên mầm non có trình độ chuẩn được đào tạo như thế nào?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:
Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, giáo viên mầm non cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.