Hệ số lương cao đẳng là gì? Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm là viên chức mới nhất hiện nay như thế nào?
Hệ số lương cao đẳng là gì?
Hệ số lương cao đẳng là chỉ số dùng để xác định mức lương cơ bản của giảng viên và nhân viên trong các trường cao đẳng, dựa trên cấp bậc và trình độ chuyên môn.
Hệ số lương thường được biểu thị dưới dạng số, và chỉ số càng cao thì mức lương càng cao. Hệ số lương cao đẳng không chỉ áp dụng cho giảng viên mà còn cho các vị trí khác trong trường cao đẳng, như nhân viên hành chính và kỹ thuật.
Việc xác định hệ số lương giúp đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc trả lương, đồng thời khuyến khích nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn và đóng góp nhiều hơn cho công tác giảng dạy và quản lý.
Hệ số lương cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản phụ cấp khác như bảo hiểm xã hội, lương thưởng và chế độ nghỉ phép. Hệ thống này được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động trong các đơn vị nhà nước.
Hệ số lương cao đẳng là gì? Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm là viên chức mới nhất hiện nay như thế nào?
Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm là viên chức mới nhất hiện nay như thế nào?
Tại Điều 9 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
b) Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
c) Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
...
Theo đó, viên chức giảng viên cao đẳng sư phạm được áp dụng hệ số lương như quy định trên.
Căn cứ Thông tư 07/2024/TT-BNV thì tiền lương viên chức giảng viên cao đẳng sư phạm được tính bằng công thức:
Tiền lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng.
Như vậy, bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm là viên chức mới nhất như sau:
(1) Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp
Bậc | Hệ số lương | Mức lương (Đơn vị: VNĐ) |
1 | 6,20 | 14.508.000 |
2 | 6,56 | 15.350.400 |
3 | 6,92 | 16.192.800 |
4 | 7,28 | 17.035.200 |
5 | 7,64 | 17.877.600 |
6 | 8,00 | 18.720.000 |
(2) Giảng viên cao đẳng sư phạm chính
Bậc | Hệ số lương | Mức lương (Đơn vị: VNĐ) |
1 | 4,40 | 10.296.000 |
2 | 4,74 | 11.091.600 |
3 | 5,08 | 11.887.200 |
4 | 5,42 | 12.682.800 |
5 | 5,76 | 13.478.400 |
6 | 6,10 | 14.274.000 |
7 | 6,44 | 15.069.600 |
8 | 6,78 | 15.865.200 |
(3) Giảng viên cao đẳng sư phạm
Bậc | Hệ số lương | Mức lương (Đơn vị: VNĐ) |
1 | 2,34 | 5.475.600 |
2 | 2,67 | 6.247.800 |
3 | 3,00 | 7.020.000 |
4 | 3,33 | 7.792.200 |
5 | 3,66 | 8.564.400 |
6 | 3,99 | 9.336.600 |
7 | 4,32 | 10.108.800 |
8 | 4,65 | 10.881.000 |
9 | 4,98 | 11.653.200 |
Lưu ý: Tiền lương trên là mức lương dựa trên lương cơ sở không bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp khác.
Mức lương của giảng viên cao đẳng là người lao động được quy định như thế nào?
Viên chức là giảng viên giảng dạy tại các trường cao đẳng công lập thì được hưởng lương theo các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với các bảng lương nêu trên.
Còn giảng viên là người lao động ký hợp đồng lao động với các trường cao đẳng công lập (giảng viên hợp đồng lao động) thì không áp dụng các bảng lương nêu trên mà thực hiện chế độ lương, thưởng theo thoả thuận với Hiệu trưởng các trường Cao đẳng và được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động.
Khi đó, mức lương của giảng viên hợp đồng có thể cao hoặc thấp hơn mức lương của giảng viên là viên chức cùng giảng dạy ở một trình độ, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng, cụ thể như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng 1 | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng 2 | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng 3 | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng 4 | 3.450.000 | 16.600 |
- Danh mục địa bàn vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
- Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
+ Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.