Gen Alpha là gì? Sử dụng lao động Gen Alpha chưa đủ 13 tuổi cần sự đồng ý của ai?
Gen Alpha là gì?
Gen Alpha (hay Thế hệ Alpha) là thuật ngữ dùng để chỉ những người sinh từ năm 2010 đến khoảng năm 2024. Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và được coi là những "người bản địa kỹ thuật số".
Thế hệ Alpha sẽ kế thừa nhiều đặc điểm từ thế hệ Z. Họ sẽ tiếp xúc với trí tuệ nhân tạo và công nghệ, những yếu tố gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ. Gen Alpha có xu hướng giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng công nghệ, lập luận và xử lý vấn đề một cách logic, luôn ưu tiên công nghệ hơn là các phương pháp thủ công.
Gen Alpha được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của xã hội và kinh tế toàn cầu. Họ sẽ là lực lượng lao động chính trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và sáng tạo.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Gen Alpha là gì? Sử dụng lao động Gen Alpha chưa đủ 13 tuổi cần sự đồng ý của ai?
Sử dụng lao động Gen Alpha chưa đủ 13 tuổi cần sự đồng ý của ai?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Lao động chưa thành niên
...
4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH như sau:
Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
...
3. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đồng thời, tại Điều 5 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH cũng quy định:
Thẩm quyền đồng ý việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc
Khi tuyển dụng, sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cơ quan sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác, trong trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp người sử dụng lao động là hộ gia đình hoặc cá nhân.
Như vậy, người sử dụng lao động được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Có đương nhiên được sử dụng lao động chưa đủ 13 tuổi vào làm các công việc nghệ thuật không?
Căn cứ theo Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc như sau:
Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
c) Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng;
d) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
2. Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật này.
3. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, được sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi vào làm các công việc về nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ được sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi vào làm những công việc này khi:
- Những công việc này không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi;
- Phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Sử dụng người dưới 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục pháp luật cho phép sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt đối với những hành vi vi phạm khi sử dụng người chưa đủ tuổi giao kết hợp đồng lao động
Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
...
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
b) Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu người sử dụng lao động sử dụng người dưới 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục pháp luật cho phép sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.