FDI là gì? FDI ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam và có tác động tới lương người lao động hay không?
FDI là gì?
Hiện tại pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể giải thích thuật ngữ "FDI là gì". Tuy nhiên FDI có thể hiểu là từ viết tắt của "Foreign Direct Investment" có nghĩa là "Đầu tư trực tiếp nước ngoài" FDI xảy ra khi một tổ chức hoặc cá nhân từ một quốc gia đầu tư tiền, tài sản, hoặc nguồn lực khác vào một quốc gia khác để tham gia vào hoạt động kinh doanh trong quốc gia đó.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
FDI là gì? FDI ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam và có tác động tới lương người lao động hay không?
FDI ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam ra sao?
Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Ngân hàng về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu cũng có giải thích về "FDI là gì" cũng như đề cập đến sự tác động của FDI như sau:
FDI có mối quan hệ đồng biến với GDP trong dài hạn, tuy nhiên, không có ý nghĩa thống kê. Xét về tác động ngắn hạn, nghiên cứu cũng không nhận thấy mối tương quan giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và GDP.
Do đó, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện cho các nhân tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả, trước tiên cần phải hoàn thiện môi trường kinh doanh bao gồm các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô như tỉ lệ lạm phát, nợ xấu; các vấn đề xã hội bao gồm dân số, trình độ lao động, văn hóa, đến các vấn đề về thể chế chính trị.
Từ đó, duy trì và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Xem chi tiết: https://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-den-tang-truong-kinh-te-viet-nam.htm
GDP Việt Nam là gì?
GDP là viết tắt của "Gross Domestic Product" (Tổng sản phẩm trong nước). Đây là một chỉ số kinh tế quan trọng dùng để đo lường giá trị toàn bộ các hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là trong một năm. GDP thể hiện sự phát triển và quy mô của nền kinh tế của một quốc gia.
Có 03 cách chính để tính GDP:
- Phương pháp sản phẩm hoặc giá trị gia tăng: Tính tổng giá trị gia tăng tại mỗi giai đoạn của quy trình sản xuất. Điều này bao gồm tất cả các giá trị gia tăng từ việc sản xuất và cung ứng các hàng hóa và dịch vụ.
- Phương pháp thu nhập: Tính GDP bằng cách cộng tổng thu nhập (lương, lãi, thuê, lợi nhuận, thuế trên sản phẩm, và các khoản trợ cấp) mà tất cả các người dân và doanh nghiệp trong quốc gia đó kiếm được trong một năm.
- Phương pháp chi tiêu: Tính GDP bằng cách cộng tổng giá trị của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ được tiêu dùng trong quốc gia đó trong một năm.
GDP Việt Nam là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá "sức khỏe" kinh tế của Việt Nam và so sánh sự phát triển kinh tế giữa các quốc gia khác nhau. Nó cũng được sử dụng để dự đoán tương lai kinh tế và đánh giá hiệu suất các chính sách kinh tế.
FDI có tác động tới lương người lao động Việt Nam hay không?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo quy định trên mức lương tối thiểu của người lao động sẽ được điều chỉnh dựa trên các căn cứ sau:
- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;
- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;
- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;
- Quan hệ cung, cầu lao động;
- Việc làm và thất nghiệp;
- Năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Như phân tích ở trên, FDI cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam. Vì vậy khi FDI tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp,...thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các căn cứ điều chỉnh mức lương lao động.