Được hành nghề khám chữa bệnh mà không cần phải đăng ký hành nghề trong những trường hợp nào?
Được hành nghề khám chữa bệnh mà không cần phải đăng ký hành nghề trong những trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Nguyên tắc đăng ký hành nghề
1. Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn sau đây trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công:
a) Khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề;
b) Phụ trách một bộ phận chuyên môn;
c) Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
a) Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
b) Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
d) Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo đó, người được hành nghề khám chữa bệnh mà không cần phải đăng ký hành nghề trong những trường hợp sau đây:
- Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- Khám chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Được hành nghề khám chữa bệnh mà không cần phải đăng ký hành nghề trong những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Ai có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký hành nghề khám chữa bệnh cho người hành nghề?
Căn cứ tại Điều 38 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Trách nhiệm trong đăng ký hành nghề
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đăng ký hành nghề cho người hành nghề làm việc tại cơ sở của mình như sau:
a) Gửi danh sách đăng ký hành nghề cùng với đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;
b) Trường hợp có thay đổi về người hành nghề trong thời gian chờ cấp giấy phép hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động thì phải gửi văn bản đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm công bố công khai danh sách người hành nghề trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như sau:
a) Cùng thời điểm cấp giấy phép hoạt động đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và trường hợp có thay đổi về người hành nghề trong thời gian chờ cấp giấy phép hoạt động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận văn bản đăng ký hành nghề đối với trường hợp thay đổi người hành nghề trong quá trình hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký hành nghề tại Mục 4 Chương III của Luật này.
Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc đăng ký hành nghề cho người hành nghề làm việc tại cơ sở của mình. Cụ thể như sau:
- Gửi danh sách đăng ký hành nghề cùng với đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;
- Trường hợp có thay đổi về người hành nghề trong thời gian chờ cấp giấy phép hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động thì phải gửi văn bản đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Người hành nghề khám chữa bệnh có những quyền và nghĩa vụ gì theo quy định hiện nay?
Căn cứ tại Mục 5 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về quyền của người hành nghề khám chữa bệnh bao gồm:
- Quyền hành nghề;
- Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh;
- Quyền được nâng cao năng lực chuyên môn;
- Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa;
- Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra căn cứ tại Mục 6 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh bao gồm:
- Nghĩa vụ đối với người bệnh.
- Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp.
- Nghĩa vụ đối với đồng nghiệp.
- Nghĩa vụ đối với xã hội.
Như vậy, người hành nghề khám chữa bệnh có 5 quyền và 4 nghĩa vụ được quy định như trên.
Lưu ý: Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024