Công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ở bệnh viện tư nhân được không?
Công ty có bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Đồng thời, tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Xây dựng quan hệ lao động
...
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
...
b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
...
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng có quy định như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
...
Như vậy, hằng năm công ty phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất một lần.
Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi thì doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng một lần.
Công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ở bệnh viện tư nhân được không?
Công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ở bệnh viện tư nhân được không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
...
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
...
Theo đó, công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại bệnh viện tư nhân nếu bệnh viện đó bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động công ty bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
...
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Lưu ý: Đây chỉ là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm.
Trường hợp ở đây là công ty là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng (căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).