Có thể phân loại hợp đồng lao động theo những tiêu chí nào? Giới thiệu sơ bộ về một số hợp đồng lao động đặc thù?
Khái niệm hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất hiện nay là gì?
Tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, theo đó hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Mặc dù các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Như vậy, có thể thấy rằng để xác định có hợp đồng lao động hay không, xuất phát từ bản chất, nội dung của quan hệ lao động chứ không quan tâm về hình thức bên ngoài cách thể hiện tên gọi ra sao trên hợp đồng.
Có thể phân loại hợp đồng lao động theo những tiêu chí nào? Giới thiệu sơ bộ về một số hợp đồng lao động đặc thù?
Hợp đồng lao động được phân loại dựa trên các tiêu chí nào?
Căn cứ theo Bộ Luật lao động 2019 thì kể từ ngày 01/01/2021 pháp luật ghi nhận chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động đó là hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Tuy nhiên việc phân loại hợp đồng lao động sẽ tùy thuộc vào ý chí của người phân loại, sau đây là một số tiêu chí để phân loại hợp đồng lao động:
Tiêu chí về thời gian
Dưới góc độ này có thể chia hợp đồng lao động thành hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo đó, hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Đối với hợp đồng không xác định thời hạn là loại hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, việc chấm dứt hợp đồng phụ thuộc vào ý chí của các bên và quy định pháp luật.
Tiêu chí về loại chủ thể trong quan hệ lao động
Dưới góc độ này có thể chia hợp đồng lao động thành nhiều loại dựa trên chủ thể tham gia trong quan hệ lao động. Cụ thể, trong quan hệ lao động nếu có sự tham gia của các chủ này sẽ có những điểm khác biệt về việc giao kết và thực hiện hợp đồng so với các chủ thể khác.
Ví dụ như: Hợp đồng lao động với người chưa thành niên, hợp đồng lao động với người cao tuổi, Hợp đồng lao động với người khuyết tật, hợp đồng lao động với người giúp việc trong gia đình.
Một số hợp đồng lao động đặc thù theo Bộ luật Lao động mới nhất hiện nay?
Dựa trên các quy định của Chương XI Bộ luật Lao động 2019 thì pháp luật đưa ra các quy định để điều chỉnh riêng đối với một số lao động đặc thù, vì vậy khi giao kết hợp đồng lao động với các đối tượng này, cần phải tuân thủ một số quy định pháp luật riêng cho các đối tượng này.
Thứ nhất, hợp đồng lao động với người chưa thành niên.
Khi giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 18 tuổi thì phải tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng lao động này, để đảm bảo người chưa đủ 18 tuổi được phát triển một cách bình thường về thể lực, trí lực và nhân cách.
Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bên cạnh đó hợp đồng lao động cần phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, riêng đối với người lao động chưa đủ 15 tuổi pháp luật quy định phải giao kết bằng văn bản.
Hợp đồng lao động với người dưới 18 tuổi cần đảm bảo thời giờ làm việc phù hợp với độ tuổi của người lao động, thời giờ làm việc thường ít hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Ngoài ra không được sử dụng lao động chưa thành niên thực hiện một số công việc hoặc nơi làm việc nhất định.
(Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động 2019)
Thứ hai, hợp đồng lao động với người cao tuổi.
Hợp đồng lao động với người cao tuổi được phép giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Bên cạnh đó, không được sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
(Điều 149 Bộ luật Lao động 2019)
Xem chi tiết danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Tại đây.
Thứ ba, hợp đồng lao động làm việc ở nước ngoài.
Hợp đồng lao động làm việc ở nước ngoài là hợp đồng giữa công dân việt nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài trong quan hệ hệ lao động. Bên cạnh đó người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài thì phải tuân theo quy định pháp luật của nước sở tại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(Điều 150 Bộ luật Lao động 2019)
Thứ tư, hợp đồng lao động của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối với hợp đồng lao động của người nướcnước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người nước ngoài cần đáp ứng đủ các điều kiện được phép lao động tại Việt Nam quy định tại Điều 151 Bộ luật Lao động 2019.
Thông thường khi người nước ngoài đến Việt Nam làm việc thì phải xin cấp phép lao động, tuy nhiên sẽ có một vài trường hợp ngoại lệ không cần xin giấy phép lao động.
(Điều 151 Bộ luật Lao động 2019)
Thứ năm, hợp đồng lao động với người khuyết tật.
Khi tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người khuyết tật phải phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
Bên cạnh đó nghiêm cấm sử dụng người lao động khuyết tật có tỉ lệ thương tật cao làm các công việc vượt quá, mức độ sức khỏe của họ cho phép.
(Mục 4 Chương XI Bộ luật Lao động 2019)
Thứ sáu, hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình.
Khi giao kết hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình thì phải bằng văn bản. Đối với thời hạn của hợp đồng lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận, các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày. Trong hợp đồng các bên phải thỏa thuận về thời giờ làm việc hằng ngày, và chổ ở cho người lao động.
(Điều 162 Bộ luật Lao động 2019)
Trên đây là giới thiệu sơ bộ về một số hợp đồng lao động đặc thù theo Bộ Luật lao động 2019.