Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài?
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 104 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 33 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị, thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng
...
2. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải làm bằng tiếng Việt. Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b, c, đ và e khoản 1 Điều này nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng
Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng (bao gồm cả giấy phép điều chỉnh) cho nhà thầu nước ngoài thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn của 02 tỉnh trở lên thì cơ quan có thẩm quyền cấp là Sở Xây dựng thuộc địa phương nơi nhà thầu nước ngoài dự kiến đặt văn phòng điều hành.
Theo đó, Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn của 02 tỉnh trở lên thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là Sở Xây dựng thuộc địa phương nơi nhà thầu nước ngoài dự kiến đặt văn phòng điều hành.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài? (Hình từ Internet)
Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ theo Điều 103 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng
1. Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính (phụ).
2. Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
3. Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
Theo đó, nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính hoặc phụ.
- Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.
Trong đó, phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam.
- Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài hết hiệu lực trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 105 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Thời hạn và lệ phí cấp Giấy phép hoạt động xây dựng
1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định này xem xét hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 104 Nghị định này. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng phải trả lời bằng văn bản cho nhà thầu và nêu rõ lý do.
2. Khi nhận Giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Giấy phép hoạt động xây dựng hết hiệu lực trong các trường hợp sau:
a) Hợp đồng thầu đã hoàn thành và được thanh lý;
b) Hợp đồng không còn hiệu lực khi nhà thầu nước ngoài bị đình chỉ hoạt động, giải thể, phá sản hoặc vì các lý do khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch.
Theo đó, giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
- Hợp đồng thầu đã hoàn thành và được thanh lý;
- Hợp đồng không còn hiệu lực khi nhà thầu nước ngoài bị đình chỉ hoạt động, giải thể, phá sản hoặc vì các lý do khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch.