Có phải trả thêm tiền lương cho người lao động không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Người lao động nào không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Tại khoản 4 Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định đối tượng không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
(1) Người giúp việc gia đình;
(2) Người đang hưởng lương hưu hằng tháng;
(3) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;
(4) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng
(5) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 91/2000/QĐ-TTg; Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010
(6) Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 142/2008/QĐ-TTg; Quyết định 53/2010/QĐ-TTg; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg
Lưu ý: Đối tượng (1), (2), (3) phải làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018).
Có phải trả thêm tiền lương cho người lao động không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không? (Hình từ Internet)
Có phải trả thêm tiền lương cho người lao động không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Tại Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó đối với người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Có thể thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội khi giao kết hợp đồng lao động hay không?
Tại Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Trách nhiệm của người lao động
1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, căn cứ tại khoản 1, 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động đều thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bên cạnh đó trách nhiệm của người lao động là đóng bảo hiểm xã hội, còn trách nhiệm của người sử dụng lao động là lập hồ sơ cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội.
Do đó, người lao động và người sử dụng lao động không thể tự thỏa thuận với nhau về việc không đóng bảo hiểm xã hội.