Có được hưởng lương tại doanh nghiệp tư nhân của vợ/mẹ và tiền lương có được tính chi phí được trừ không?

Theo Luật doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân không được hưởng lương của doanh nghiệp mình sáng lập. Vậy Chồng con cháu nếu tham gia quá trình hoạt động của doanh nghiệp thì có được hưởng lương hay không? Lương đó thì có có tính vào chi phí được trừ không?

Tiền lương là gì?

Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:

Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Theo đó, tiền lương được xác định là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện một hoặc nhiều công việc. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp và các khoản chi phí bổ sung khác.

Có được hưởng lương tại doanh nghiệp tư nhân của vợ/mẹ và tiền lương có được tính chi phí được trừ không?

Có được hưởng lương tại doanh nghiệp tư nhân của vợ/mẹ và tiền lương có được tính chi phí được trừ không? (Hình từ Internet)

Có được hưởng lương tại doanh nghiệp tư nhân của vợ/mẹ không?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

Quản lý doanh nghiệp tư nhân
...
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
...

Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân được thuê người khác tham gia hoạt động của công ty, trường hợp thuê dưới hình thức hợp đồng lao động thì phải trả tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Ngoài ra, hiện nay pháp luật không ràng buộc về đối tượng được được thuê tham gia quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân theo hợp đồng lao động là những người có quan hệ trong gia đình.

Do đó, trường hợp chồng, con, cháu nếu có tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân bằng hợp đồng lao đồng thì người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp tư nhân) phải trả lương cho các đối tượng nêu trên.

Tiền lương trả cho chồng, con, cháu trong doanh nghiệp tư nhân có được tính vào chi phí được trừ không?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) quy định như sau:

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
...
c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện
...
d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.
...

Ngoài ra, tham khảo thêm Công văn 727/TCT-CS năm 2015 ngày 03/03/2015 của Tổng cục thuế:

Căn cứ đặc thù của Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì khoản chi tiền lương, tiền công của chủ Doanh nghiệp tư nhân, chủ Công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ), (không phân biệt có hay không tham gia trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh) đều thuộc khoán chi phí quy định tại tiết d, điểm 2.5, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC nêu trên.

Căn cứ theo quy định trên, chỉ lương của chủ DNTN không được trừ khi tính thuế TNDN, do đó đối với các trường hợp trả lương cho người lao động bao gồm cả tiền lương trả cho chồng, con, cháu nếu có tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp bằng hợp đồng lao đồng thì vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào