Chế độ làm việc linh hoạt là gì? NLĐ làm việc không trọn thời gian có được hưởng đầy đủ quyền lợi không?
Chế độ làm việc linh hoạt là gì?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể giải thích thuật ngữ "chế độ làm việc linh hoạt". Tuy nhiên có thể hiểu chế độ làm việc linh hoạt là một khái niệm dùng để chỉ cách sắp xếp công việc không theo mô hình truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của người lao động hoặc yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.
Một số đặc điểm chính của chế độ làm việc linh hoạt bao gồm:
- Làm việc từ xa: Người lao động có thể làm việc từ bất kỳ đâu, không cần phải đến văn phòng.
- Giờ làm việc linh hoạt: Người lao động có thể tự chọn giờ bắt đầu và kết thúc công việc, miễn là hoàn thành đủ số giờ làm việc quy định.
- Làm việc bán thời gian: Thay vì làm việc toàn thời gian, người lao động có thể chọn làm việc ít giờ hơn.
Chế độ này mang lại nhiều lợi ích như tăng cường sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm chi phí đi lại, và tăng năng suất làm việc.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Chế độ làm việc linh hoạt là gì? Làm việc không trọn thời gian có được kí hợp đồng lao động không?
Có giới hạn số giờ làm thêm của người lao động làm việc không trọn thời gian?
Căn cứ theo Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Giới hạn số giờ làm thêm
1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
5. Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định này được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, người lao động làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
NLĐ làm việc không trọn thời gian có được hưởng đầy đủ quyền lợi không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Làm việc không trọn thời gian
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Dẫn chiếu khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền của người lao động như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
e) Đình công;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, từ quy định này đã thấy rõ ý chí của pháp luật về người lao động làm việc không trọn thời gian vẫn được bình đẳng vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi về lương, quyền, cơ hội, sự bảo vệ, an toàn,.. trong mối quan hệ lao động.