Cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn cho người lao động?
Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch là một bản khai thông tin cá nhân, bao gồm các thông tin về họ tên, ngày sinh, nơi sinh, quê quán, hộ khẩu, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, thành tích và các thông tin khác liên quan đến quá trình học tập và làm việc của bạn.
Sơ yếu lý lịch thường được viết khi làm hồ sơ xin việc, xin học bổng, xin tham gia các tổ chức hay cơ quan Nhà nước. Sơ yếu lý lịch có thể được viết tay hoặc đánh máy, tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng hay cơ quan cấp phép.
Một bản sơ yếu lý lịch tự thuật chuẩn sẽ gồm các thông tin chủ yếu như sau:
- Ảnh thẻ 4x6 cm có đóng dấu giáp lai;
- Thông tin cá nhân đầy đủ: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, hộ khẩu thường trú;
- Thông tin nhân thân của bố mẹ, anh chị em ruột, vợ (chồng): Họ tên, năm sinh, nơi ở, nơi làm việc;
- Sơ lược về quá trình học tập và làm việc cũng như các bằng cấp liên quan;
- Xác nhận của địa phương nơi cư trú.
Tải Mẫu sơ yếu lý lịch: Tại đây.
Cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn cho người lao động? (Hình từ Internet)
Cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn cho người lao động?
Hiện nay, sơ yếu lý lịch có thể viết bằng tay hoặc đánh máy, tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc cơ quan cấp phép.
Sơ yếu lý lịch cần trình bày sạch đẹp, không có lỗi sai chính tả. Không tẩy xóa (đối với những bản viết tay). Thống nhất về font chữ, màu chữ (đối với bản đánh máy).
Thông tin phải ngắn gọn, chính xác. Minh bạch - bố cục rõ ràng và logic. Súc tích - thông tin hợp lý và cần thiết. Đầy đủ - chứa đựng những thông tin quan trọng. Nhất quán - dùng phông và kiểu chữ thống nhất.
Dưới đây là một số lưu ý khi viết sơ yếu lý lịch:
- Cách điền thông tin cá nhân:
+ Họ và tên: Cần viết đúng họ tên khai sinh, viết in hoa rõ ràng;
+ Giới tính: Điền đúng như trong giấy khai sinh;
+ Ngày sinh: Viết đúng như trên chứng minh nhân dân/CCCD;
+ Dân tộc: Điền chính xác dân tộc của mình, nếu là con lai thì ghi quốc tịch bố mẹ;
+ Tôn giáo: Nếu không theo tôn giáo nào thì điền “Không”;
+ Nguyên quán: Thông thường là nơi sống của ông bà nội, cha của người khai;
+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Viết rõ địa chỉ như trên sổ hộ khẩu;
+ Nơi ở hiện tại: Có thể trùng với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trường hợp đang ở trọ thì điền nơi ở trọ vào;
+ Số điện thoại: Điền số điện thoại tiện liên lạc nhất;
+ Khi cần báo tin cho ai, ở đâu: Có thể điền thông tin của bố mẹ, anh chị em ruột.;
+ Bí danh: Nếu không có thì bỏ qua.
- Cách điền thông tin nhân thân trong sơ yếu lý lịch:
+ Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất: Nông dân, công chức hoặc viên chức;
+ Thành phần bản thân gia đình hiện nay: Ghi rõ họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, nơi ở của các thành viên trong gia đình.
- Cách điền thông tin học vấn, trình độ chuyên môn:
+ Trình độ văn hóa: Nếu tốt nghiệp THPT, bạn ghi 12/12 chính quy (bổ túc văn hóa); nếu tốt nghiệp đại học: Ghi “Cử nhân”;
+ Trình độ ngoại ngữ: Ghi chứng chỉ mà bạn hiện có;
+ Ngày kết nạp Đảng: Nếu đã vào Đảng thì điền ngày như trong thẻ Đảng viên, nếu không thì bỏ qua;
+ Nghề nghiệp và trình độ chuyên môn: Điền nghề nghiệp hoặc chuyên ngành bạn đã được đào tạo;
+ Quá trình hoạt động của bản thân: Mục này cần chọn lọc kỹ thông tin, nêu tóm tắt những kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển;
+ Khen thưởng/ Kỷ luật: Điền thông tin nếu có.
Có cần công chứng đối với sơ yếu lý lịch xin việc không?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
...
Và theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
4. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
...
Đồng thời, căn cứ theo Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định đối với tờ khai lý lịch cá nhân sẽ thực hiện việc chứng thực chữ ký.
Từ các quy định nếu trên, thì sơ yếu lý lịch sẽ không thực hiện việc công chứng mà sẽ thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký.
Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc bắt buộc phải chứng thực sơ yếu lý lịch khi đi xin việc do đó việc này phụ thuộc vào yêu cầu của nhà tuyển dụng.