Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp sau đợt tăng lương cơ sở 30% như thế nào?
Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp sau đợt tăng lương cơ sở 30% như thế nào?
Căn cứ Điều 42 Luật Việc làm 2013 quy định về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
1. Trợ cấp thất nghiệp.
2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
3. Hỗ trợ Học nghề.
4. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo đó, bảo hiểm thất nghiệp gồm 04 chế độ:
- Trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ học nghề.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Có thể thấy bảo hiểm thất nghiệp có 4 chế độ, cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp sẽ khác nhau.
* Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
...
Theo đó, cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%
Tuy nhiên, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là 11.700.000 đồng/tháng (lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là: 24.800.000 đồng/tháng (Vùng 1), 22.050.000 đồng/tháng (Vùng 2), 19.300.000 đồng/tháng (Vùng 3), 17.250.000 đồng/tháng (Vùng 4) (lương tối thiểu quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP).
* Cách xác định mức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm (Điều 54 Luật Việc làm 2013)
* Hỗ trợ học nghề
Căn cứ theo Điều 56 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Thời gian, mức hỗ trợ học nghề
1. Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.
2. Mức hỗ trợ học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Và căn cứ theo Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg năm 2021, cách xác định mức hỗ trợ học nghề như sau:
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là nữa tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.
* Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
+ Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh;
+ Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;
+ Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Chính phủ quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
(Căn cứ Điều 47 Luật Việc làm 2013)
Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp sau đợt tăng lương cơ sở 30% như thế nào? (Hình từ Internet)
Mức hỗ trợ tối đa của Nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 57 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Mức đóng, nguồn hình thành và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
2. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
a) Các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ;
c) Nguồn thu hợp pháp khác.
3. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng như sau:
a) Chi trả trợ cấp thất nghiệp;
b) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
c) Hỗ trợ học nghề;
d) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
đ) Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp;
...
Theo đó, tiền hỗ trợ của Nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ ngân sách nhà nước.
Mức hỗ trợ tối đa = 1% x Quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN
Cơ quan nào thực hiện thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
1. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được hạch toán độc lập. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết, thông qua các hình thức sau:
a) Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước; trái phiếu của ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
b) Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Cho ngân sách nhà nước, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ vay.
3. Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; việc quản lý, sử dụng Quỹ; tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.