Bị tai nạn trên đường đi từ công ty này đến công ty khác thì đơn vị nào sẽ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động?
Như thế nào được xem là tai nạn lao động?
Tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
...
Như vậy, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Bị tai nạn trên đường đi từ công ty này đến công ty khác thì đơn vị nào sẽ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động? (Hình từ Internet)
Bị tai nạn trên đường đi từ công ty này đến công ty khác thì đơn vị nào sẽ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động?
Tại khoản 8 Điều 8 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH có quy định về việc giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên đường đi từ công ty này đến công ty khác như sau:
Giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp cá biệt
...
5. Đối với người lao động sau khi đã nghỉ việc hoặc đã về hưu người sử dụng lao động mới lập hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động trong thời gian người lao động làm việc thì người sử dụng lao động chuyển hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi người lao động đang cư trú hoặc nơi chi trả lương hưu và trong trường hợp này hồ sơ không gồm sổ bảo hiểm xã hội.
6. Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động là trường hợp người lao động bị tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
7. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho người lao động dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
8. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà được xác định là tai nạn hưởng chế độ tai nạn lao động, thì đơn vị nơi người lao động đến làm việc được xác định là đơn vị nơi người lao động bị tai nạn và người sử dụng lao động của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng với nhiều công ty mà bị tai nạn trên đường đi từ công ty này đến công ty khác trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà được xác định là tai nạn hưởng chế độ tai nạn lao động, thì công ty nơi người lao động đến làm việc được xác định là công ty nơi người lao động bị tai nạn và công ty đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
Mức hưởng trợ cấp một lần cho người lao động bị tai nạn lao động là bao nhiêu?
Tại khoản 2 Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trợ cấp một lần
...
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết việc tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp người lao động thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp.
Theo đó, suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.