Bảng lương của người lao động có phải là thông tin cần giữ bí mật không?
Bảng lương của người lao động có phải là thông tin cần giữ bí mật không?
Căn cứ Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng về:
- Đời sống riêng tư
- Bí mật cá nhân
- Bí mật gia đình của nhau
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng không có định nghĩa hay quy định cụ thể thế nào là bí mật cá nhân hay thông tin cá nhân.
Có thể hiểu bí mật cá nhân là các thông tin, tài liệu riêng tư của cá nhân và người đó không muốn tiết lộ hay không bắt buộc phải công khai cho người khác biết. Việc giữ bí mật, không tiết lộ những thông tin, tài liệu này đồng thời không làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, của xã hội, các cá nhân khác.
Từ các căn cứ trên có thể thấy, mức lương thu nhập cá nhân cũng là một loại bí mật cá nhân và cần được bảo mật.
Việc bảo mật thông tin về lương trong các công ty, doanh nghiệp cũng có thể được quy định trong quy chế của công ty. Do đó, tùy thuộc vào từng đơn vị mà thông tin này có thể là được giữ bí mật hay công khai. Tuy nhiên, với tính cạnh tranh và đảm bảo sự công bằng thì đa phần thông tin này đều bí mật giữa mỗi người lao động với nhau.
Bảng lương của người lao động có phải là thông tin cần giữ bí mật không?
Nếu xây dựng thanh lương, bảng lương cho toàn bộ người lao động thì có cần công khai không?
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Nội dung, hình thức người sử dụng lao động phải công khai
1. Người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung sau:
a) Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
b) Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động;
c) Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia;
d) Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);
đ) Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
e) Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;
g) Nội dung khác theo quy định của pháp luật.
...
Và theo Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Như vậy, theo quy định trên, nếu người sử dụng lao động xây dựng bảng lương áp dụng cho người lao động thì phải công khai bảng lương tại nơi làm việc cho người lao động biết trước khi thực hiện.
Mức xử phạt đối với người sử dụng lao động không công khai bảng lương tại nơi làm việc trước khi thực hiện?
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
b) Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
d) Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
đ) Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo quy định trên, khi người sử dụng lao động có hành vi không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện bảng lương thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 - 10 triệu đồng (mức phạt cá nhân) và từ 10 - 20 triệu đồng (mức phạt tổ chức).