30 tháng 4 mùng 1 tháng 5 là ngày gì? Người lao động khi làm việc vào ngày này được nhận mức lương là bao nhiêu?
- 30 tháng 4 mùng 1 tháng 5 là ngày gì?
- Người lao động khi làm việc vào ngày nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 sẽ nhận được mức lương là bao nhiêu?
- Người lao động có được ứng trước tiền lương khi nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 không?
- Tiền lương cho người lao động khi làm thêm giờ vào ban ngày của ngày nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 tính như thế nào?
30 tháng 4 mùng 1 tháng 5 là ngày gì?
Ngày 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 đều là những ngày lễ quan trọng tại Việt Nam:
- Ngày 30 tháng 4 được biết đến là Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là ngày kỷ niệm chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống lại sự thống trị của Mỹ, đánh dấu sự thống nhất của đất nước vào ngày 30/4/1975.
- Ngày mùng 1 tháng 5 là Ngày Quốc tế Lao Động, một ngày lễ quốc tế được tổ chức để tôn vinh người lao động và phong trào lao động trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ngày này cũng gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào công nhân và lao động.
Cả hai ngày này đều được xem là ngày lễ để người dân Việt Nam tưởng nhớ và tri ân công lao của những thế hệ đi trước, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc.
30 tháng 4 mùng 1 tháng 5 là ngày gì? Người lao động khi làm việc vào ngày này được nhận mức lương là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Người lao động khi làm việc vào ngày nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 sẽ nhận được mức lương là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động đi làm dịp lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 thì được hưởng mức lương như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.
Người lao động có được ứng trước tiền lương khi nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 không?
Căn cứ Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tạm ứng tiền lương
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Như vậy, người lao động sẽ được tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 nếu hai bên đã thỏa thuận với nhau và khoản tiền tạm ứng này sẽ không bị tính lãi.
Tiền lương cho người lao động khi làm thêm giờ vào ban ngày của ngày nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 tính như thế nào?
(1) Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ:
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.