Lựa chọn pháp luật nước nào để ly hôn có yếu tố nước ngoài?

Lựa chọn pháp luật nước nào để ly hôn có yếu tố nước ngoài?

Ly hôn là một quan hệ đặc biệt trong quan hệ hôn nhân và gia đình, là cơ sở pháp lý để làm thay đổi hay chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Để thống nhất khi giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình quy định cụ thể việc lựa chọn áp dụng luật theo từng trường hợp sau:

- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (theo quy định này thì các bên đương sự hoặc ít nhất một bên đương sự là công dân Việt Nam phải thường trú tại Việt Nam vào thời điểm xin ly hôn. Chỉ khi đó mới áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam để giải quyết việc ly hôn).

- Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam.

- Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Như vậy, khi ly hôn có yếu tố nước ngoài, các bên cần phải căn cứ vào các quy định về việc lựa chọn luật áp dụng tùy thuộc vào từng trường hợp nhất định.

Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài 

- Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân.

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu cấp dưỡng của người quy định tại khoản 1 Điều này là cơ quan của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú.

Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

– Hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài:

+ Giấy chứng nhận kết hôn, Nếu không có giấy chứng nhận kết hôn bản gốc thì nộp bản sao do chính cơ quan nhà nước nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cấp;

+ Giấy khai sinh của các con;

+ Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam gồm: Bản sao Chứng minh nhân dân; Bản sao hộ khẩu;

+ Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài: Bản sao hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa lãnh sự

+ Đơn xin ly hôn: Đơn xin ly hôn do bên không có quốc tịch Việt Nam làm và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự rồi chuyển về cho bên có quốc tịch Việt Nam ký. Về tài sản chung và con chung hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết hay yêu cầu tòa giải quyết và ghi rõ trong đơn xin ly hôn.

Nơi nộp hồ sơ: TAND cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú.

Thời gian giải quyết: theo quy định của Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì thời gian chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn tối đa là 04 tháng, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì được gia hạn nhưng không quá 02 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kế từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn này là 02 tháng. Trong thực tế, tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án mà thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian mà luật quy định.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào