Có được xin cấp lại chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành bị mất của viên chức?

Xin chào ban biên tập, em vừa rồi có tham gia khóa đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành của viên chức và đã được cấp chứng chỉ rồi, do sơ xuất nên em làm mất chứng chỉ, bây giờ ra cơ quan tổ chức khóa đào tạo xin cấp lại chứng chỉ thì có được không? Xin được giải đáp.

Chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành bị mất của viên chức có được xin cấp lại?

Căn cứ Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BNV quy định về in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng như sau:

1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu được quyền in, cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao thực hiện. Mẫu chứng chỉ theo quy định tại Phụ lục 01 Thông tư này.
2. Chứng chỉ bồi dưỡng được cấp 01 lần cho học viên hoàn thành khóa học. Trường hợp chứng chỉ đã cấp cho học viên nhưng phát hiện có sai sót do lỗi của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu có trách nhiệm cấp lại cho học viên.
3. Trường hợp chứng chỉ bị mất, hư hỏng, người được cấp chứng chỉ đề nghị thì được cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng. Mẫu giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học theo quy định tại Phụ lục 02 Thông tư này.
4. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu lập sổ quản lý việc cấp chứng chỉ theo quy định hiện hành. Bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ trong cấp chứng chỉ. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ.

Như vậy, trường hợp anh/chị là viên chức tham gia khóa đào tạo và đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành mà bị mất chứng chỉ bồi dưỡng sẽ không được cấp lại chứng chỉ này. Thay vào đó, cơ sở đào tạo họ sẽ cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học thay cho chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành của anh/chị, giấy chứng nhận này có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng.

Có được xin cấp lại chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành bị mất của viên chức?

Có được xin cấp lại chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành bị mất của viên chức? (Hình từ Internet)

Điều kiện để cấp chứng chỉ bồi dưỡng viên chức là gì?

Theo Điều 5 Thông tư 01/2018/TT-BNV quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng như sau:

Chứng chỉ bồi dưỡng được cấp cho những học viên có đủ các điều kiện sau đây:
1. Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng;
2. Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án phải đạt từ 05 điểm trở lên (chấm theo thang điểm 10);
3. Chấp hành quy chế, nội quy học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành khi có đủ các điều kiện quy định trên.

Cho người khác sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành của viên chức có bị thu hồi chứng chỉ không?

Tại Điều 7 Thông tư 01/2018/TT-BNV quy định về xử lý vi phạm trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng như sau:

1. Chứng chỉ bồi dưỡng bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập;
b) Cấp cho người không đủ điều kiện; cấp không đúng thẩm quyền;
c) Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa;
d) Để cho người khác sử dụng.
2. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức. Những hành vi vi phạm các quy định về việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ nếu có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp viên chức cho người khác sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành của mình thì sẽ bị thu hồi theo quy định pháp luật.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viên chức

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào