Tội làm giả con dấu

Chồng tôi trong nhóm lừa đảo, làm giả con dấu chiếm đoạt tài sản 3,2 tỉ đồng của một doanh nghiệp. Trong nhóm chồng tôi chỉ có nhiệm vụ lái xe, dùng giấy chứng minh thật. Chồng tôi được chia 50 triệu. Chồng tôi lần đầu phạm tội, khi bị bắt đã trả lại 50 triệu cho bị hại. Tôi muốn hỏi chồng tôi có thể chịu án trong khoảng bao nhiêu năm tù? Xin cảm ơn.

Chồng bạn có nhiệm vụ lái xe, dùng chứng minh thật là người giúp sức theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 là đồng phạm trong vụ án này.

Theo quy định tại khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy đinh:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì nhóm của chồng bạn đã thu lợi bất chính 3.2 tỷ đồng cho nên sẽ áp dụng theo điểm c khoản 3 Điều này. Cho nên có thể chồng bạn sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm tù và bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng.

Theo Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Như vậy tùy thuộc vào tình hình thực tế mà Tòa án sẽ có phán quyết phù hợp, khách quan và công bằng.

Trân trọng!

Nguyễn Đăng Huy

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào