Khi nào phải thành lập Hội đồng định giá tài sản kê biên của pháp nhân thương mại?

Tôi đang tìm hiểu quy định mới về cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại và có thắc mắc sau: Trường hợp pháp nhân bị kê biên tài sản để thi hành án thì việc xác định giá trị tài sản sẽ do các bên thỏa thuận, vậy trường hợp các bên không thỏa thuận được thì giải quyết thế nào? Nhờ hỗ trợ!

Căn cứ Khoản 2 Điều 32 Nghị định 44/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực ngày 01/6/2020) quy định:

- Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thỏa thuận về giá không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên.

- Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản hoặc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá. Hội đồng định giá tài sản gồm có Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thành lập Hội đồng định giá hoặc kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá, Hội đồng định giá tài sản, tổ chức thẩm định giá phải tiến hành việc định giá. Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà Nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do Nhà nước quy định.

=> Như vậy, nếu các bên không thỏa thuận được giá của tài sản kê biên thì cơ quan thi hành án hình sự sẽ quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản hoặc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá để xác định.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào