Không đóng BHXH cho nhân viên giai đoạn 2001 - 2004 có vi phạm luật?

Xin chào! Xin ban tư vấn vui lòng cho hỏi: Đối với cty 100% vốn nước ngoài thì từ năm 2001-2002-2003-2004 trở về trước có một số trường hợp thắc mắc là có ký hợp đồng thời vụ mà không được đóng bảo hiểm xã hội thì có đúng luật không? Xin cho hỏi đối tượng đóng BHXH thời điểm đó là gì và áp dụng theo luật BHXH năm nào? Rất mong nhận được câu trả lời của ban tư vấn. Xin trân trọng cảm ơn! Minh Anh - anh*****@gmail.com

Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Lao động 1994 thì:

"1- Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với những doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên. Ở những doanh nghiệp này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất.

2- Người lao động làm việc ở những nơi sử dụng dưới 10 người lao động, hoặc làm những công việc thời hạn dưới ba tháng, theo mùa vụ, hoặc làm các công việc có tính chất tạm thời khác, thì các Khoản bảo hiểm xã hội được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm."

Theo quy định tại Khoản 36 Điều 1 Bộ Luật Lao động sửa đổi 2002 thì:

"1- Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất.

2- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng thì các khoản bảo hiểm xã hội được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả theo quy định của Chính phủ, để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm. Khi hết hạn hợp đồng lao động mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, thì áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều này."

==> Theo quy định trên đây thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ có sự thay đổi theo các giai đoạn sau:

+ Trước ngày 01/01/2003 thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là những doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên. Ở những doanh nghiệp này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội

+ Từ ngày 01/01/2003 trở đi thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội .

Như Anh/Chị trình bày ở trên thì từ năm 2001-2002-2003-2004 trở về trước công ty có ký hợp đồng thời vụ nhưng không có đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định trên đây thì trước ngày 01/01/2003 công ty sử dụng trên 10 lao động thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chứ không phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng. Từ ngày 01/01/2003 trở đi thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, nếu như trước 01/01/2003 mà công ty sử dụng dưới 10 lao động thì việc không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên ký hợp đồng thời vụ là không vi phạm pháp luật. Từ ngày 01/01/2003 trở đi nếu công ty ký hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 03 tháng thì việc không đóng bảo hiểm xã hội là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên các khoản tiền bảo hiểm vẫn phải được tính vào lương nhân viên.

Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đóng bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào