Bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp nào?

Hiện tại tôi đang làm việc cho công ty xây dựng, công ty của chúng tôi thường thi công các hạng mục nhà ở, cầu đường. Trong quá trình thi công doanh nghiệp của chúng tôi có mua bảo hiểm công trình xây dựng. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp nào? Mong anh chị giải đáp giúp tôi.

Tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:

- Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý;

- Tổn thất không mang tính ngẫu nhiên;

- Tổn thất không lượng hóa được bằng tiền;

- Tổn thất mang tính thảm họa;

- Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 329/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy địnhDoanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:

a) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý, như:

- Tổn thất phát sinh do bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch.

- Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ).

- Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đối với công trình xây dựng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng).

- Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa được thử nghiệm, tư vấn sử dụng các chất amiăng hoặc các nguyên liệu có chứa chất amiăng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng).

b) Tổn thất không mang tính ngẫu nhiên, như:

- Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa, mục rữa, kết tạo vẩy cứng (như han gỉ, đóng cặn hoặc các hiện tượng tương tự khác), khuyết tật của nguyên vật liệu (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Thông tư này).

- Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa, khuyết tật của nguyên vật liệu (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Thông tư này).

c) Tổn thất không lượng hóa được bằng tiền, như:

Các tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính được nhà thầu tư vấn sử dụng để thực hiện công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng).

d) Tổn thất mang tính thảm họa, như:

- Tổn thất phát sinh do chiến tranh, hành động khủng bố, phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ.

- Tổn thất do việc tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng dẫn đến gây ô nhiễm, nhiễm bẩn đối với môi trường và bên thứ ba (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng).

đ) Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trên đây là những trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường đối với hoạt động đầu tư xây dựng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hoạt động xây dựng

Hồ Văn Ngọc

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào