Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong quản lý dịch vụ công ích thủy lợi?

Chào Ban biên tập, tôi tên Minh Thông hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Nông lâm. Để hoàn thiện bào báo cáo sắp tới nên tôi hiện đang tìm hiểu về một số vấn đề liên quan đến dịch vụ công ích thủy lợi, tuy nhiên vẫn chưa được rõ lắm nên nhờ đến sự hỗ trợ từ Ban biên tập, cụ thể: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong quản lý dịch vụ công ích thủy lợi? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, cảm ơn! (0123**)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý dịch vụ công ích thủy lợi được quy định như sau:

a) Thực hiện phân cấp quản lý cụ thể các công trình thủy lợi, quyết định quy mô xác định điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và tổ chức khai thác công trình thủy lợi xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành;

c) Quyết định phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, duyệt dự toán, cấp phát, quản lý thanh quyết toán kinh phí cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi.

d) Thẩm định phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương; chịu trách nhiệm về số liệu, tài liệu báo cáo trong hồ sơ phương án giá và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo thời hạn quy định;

đ) Quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Điều 35 Luật Thủy lợi và quy định của pháp luật khác có liên quan;

e) Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét quyết định; tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

g) Giám sát việc thực hiện thu, chi, thanh quyết toán các khoản hỗ trợ của ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước;

h) Tổ chức sắp xếp lại các tổ chức khai thác công trình thủy lợi theo quy định tại Luật Thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan;

i) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyết định đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; kiểm tra, giám sát kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và việc sử dụng ngân sách cấp cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi;

k) Xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan;

l) Phê duyệt báo cáo quyết toán diện tích, biện pháp tưới tiêu, nội dung công việc, kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và các khoản hỗ trợ tài chính khác của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi;

m) Giám sát việc quản lý, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi và thực hiện sử dụng tiết kiệm nước thuộc thẩm quyền quản lý tại địa phương.

Trên đây là nội dung tư vấn về Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý dịch vụ công ích thủy lợi. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Nghị định 96/2018/NĐ-CP. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho anh/chị.

Trân trọng và chúc sức khỏe!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ủy ban nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào