Việc phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định trong vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được quy định ra sao?

Việc phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định trong vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Thông,  gần đây tôi đang tìm hiểu quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp giải đáp cung cấp thông tin giúp. Cụ thể là việc phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định trong vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được quy định ra sao? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Chân thành cảm ơn!

Việc phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định trong vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP về quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành (có hiệu lực 01/02/2018), cụ thể như sau: 

- Trong thời hạn thực hiện giám định, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sau khi giao quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên quan thì phải theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định cử người thực hiện, xây dựng kế hoạch thực hiện giám định, dự kiến tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

- Người đứng đầu tổ chức được trưng cầu giám định phải lập kế hoạch thực hiện giám định, lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, quyết định hình thức giám định là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể và trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên quan, tổ chức được trưng cầu giám định phải có văn bản gửi cho cơ quan, người trưng cầu giám định danh sách những người được phân công thực hiện giám định, đầu mối liên hệ và hình thức giám định.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên quan, cá nhân được trưng cầu giám định phải lập kế hoạch thực hiện giám định bằng văn bản, gửi cho cơ quan, người trưng cầu giám định và thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan, người trưng cầu giám định.

- Trường hợp quyết định trưng cầu giám định có nội dung liên quan đến trách nhiệm thực hiện của nhiều tổ chức giám định thì tổ chức được giao trách nhiệm chủ trì thực hiện việc giám định phải đề nghị tổ chức giám định có trách nhiệm phối hợp cử người đủ điều kiện tham gia thực hiện giám định. Tổ chức được giao trách nhiệm chủ trì giám định phân công người làm đầu mối thực hiện việc giám định và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người trưng cầu giám định biết.

Tổ chức được đề nghị giám định phải gửi văn bản cử người có đủ điều kiện tham gia việc giám định.

- Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có thay đổi người thực hiện giám định, thời hạn giám định không đủ để hoàn thành việc giám định hoặc có vấn đề khác phát sinh thì tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết. Trường hợp cần thiết, cơ quan trưng cầu giám định tổ chức họp, trao đổi với tổ chức, cá nhân thực hiện giám định và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết vướng mắc phát sinh hoặc việc không thống nhất ý kiến giữa bên trưng cầu và bên thực hiện trưng cầu giám định.

- Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền bồi dưỡng, chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của người trưng cầu giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Thông tư liên tịch này và quy định pháp luật khác có liên quan để bảo đảm thời hạn, điều kiện thực hiện giám định.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định trong vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào