Hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan bị xử phạt như thế nào?

Hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan bị xử phạt như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hoàng Yến, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Hoàng Yến (hoangyen*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP thì hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan được quy định cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải trong quá trình vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan mà không thông báo hoặc không được sự đồng ý của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến đường, lộ trình, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hải quan mà không có lý do xác đáng;

+ Tự ý phá niêm phong hải quan;

+ Tự ý thay đổi bao bì, nhãn hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan;

+ Không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan hoặc hàng hóa được giao bảo quản theo quy định của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan;

+ Lưu giữ hàng hóa không đúng địa điểm quy định hoặc địa điểm đã đăng ký với cơ quan hải quan;

+ Đưa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị đến cơ sở khác gia công lại mà không thông báo cho cơ quan hải quan.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan.

Trường hợp vi phạm quy định tại điểm này mà tang vật vi phạm thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hàng hóa áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan và không vi phạm quy định về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì xử phạt theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 8 hoặc Điểm g Khoản 1 Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP;

+ Tiêu thụ phương tiện vận tải đăng ký lưu hành tại nước ngoài tạm nhập cảnh vào Việt Nam.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tiêu thụ hàng hóa được đưa về bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3, Khoản 4 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP mà hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật hoặc thuộc trường hợp phải có giấy phép mà không có giấy phép khi xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Hàng hóa là hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất thuộc danh mục phải có giấy phép mà không có giấy phép; hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập - tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất.

- Hình thức phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3, Điểm a Khoản 5 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP trong trường hợp còn tang vật vi phạm.

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định đối với vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP;

+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP;

+ Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3, Khoản 5 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP;

+ Buộc loại bỏ bao bì, nhãn hàng hóa đã thay đổi do hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 11 Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào