Việc thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được tiến hành ra sao?

Việc thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng trong lĩnh vực báo chí. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Qua một vài tài liệu, tôi được biết hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được tiến hành theo một quá trình nhất định. Vậy, cụ thể quá trình đó được thực hiện ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Diễm Hằng (hang***@gmail.com)

Ngày 11/12/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 35/2014/TT-BKHCN về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lập và công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ và áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo đó, việc thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Thông tư 35/2014/TT-BKHCN. Cụ thể như sau:

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc triển khai thực hiện giám định như sau:

a) Lập đề cương giám định với các nội dung cơ bản sau: xác định các quy chuẩn chuyên môn, quy định của pháp luật liên quan dự kiến được áp dụng khi thực hiện giám định theo quy định tại Điều 13 Thông tư này; thời gian dự kiến hoàn thành giám định; các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định.

Đối với tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, ngoài những nội dung trên, đề cương giám định của tổ chức phải bao gồm danh sách nhân sự thực hiện giám định, người được phân công chủ trì thực hiện giám định, thông tin về năng lực của các cá nhân thực hiện giám định;

b) Trường hợp cần thiết, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định đề nghị với người trưng cầu, yêu cầu giám định về việc khảo sát đối tượng giám định để phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung cần giám định;

d) Thực hiện giám định;

đ) Xây dựng kết luận giám định theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này.

2. Trường hợp có thay đổi về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, Thủ trưởng đơn vị cử cá nhân, tổ chức thực hiện giám định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.

3. Trong quá trình thực hiện, người giám định phải lập văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp theo quy định tại Thông tư này thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc thực hiện giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 35/2014/TT-BKHCN.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào