Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập. Hiện tại tôi đang muốn tìm hiểu những quy định liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và truyền thông để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu có một vài nội dung tôi chưa rõ lắm. Vì vậy, tôi có câu hỏi này mong nhận được sự tư vấn của Quý ban biên tập. Nội dung thắc mắc như sau: Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập! Tôi chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe anh/chị rất nhiều. Kim Chi (chi***@gmail.com)

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 22 Thông tư 45/2016/TT-BTTTT quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông như sau:

1. Sau khi nhận đủ hồ sơ đề nghị nghiệm thu, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi tắt là Hội đồng).

2. Hội đồng có 07 thành viên, gồm Chủ tịch, 02 ủy viên phản biện và các ủy viên là các nhà khoa học chuyên gia có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu chuyên ngành khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Hội đồng có thể có 01 ủy viên là người thuộc tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không được làm thành viên Hội đồng.

3. Trên cơ sở hồ sơ, Chủ tịch Hội đồng quyết định tiến hành phiên họp, thời gian hoàn thành nghiệm thu không quá 15 ngày sau khi có Quyết định thành lập Hội đồng.

4. Hội đồng chỉ họp khi có ít nhất 5/7 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng, 02 ủy viên phản biện và thư ký (hoặc được ủy quyền). Tùy theo từng trường hợp cụ thể, đại diện các bên liên quan sẽ được mời tham dự phiên họp của Hội đồng.

5. Phiên họp Hội đồng

a) Thành phần tham dự phiên họp của Hội đồng: thành viên Hội đồng, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đại diện tổ chức chủ trì và khách mời;

b) Thư ký công bố quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần và đại biểu tham dự;

c) Chủ tịch Hội đồng điều hành phiên họp, thống nhất và thông qua nội dung làm việc của Hội đồng;

d) Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt quá trình tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; báo cáo các sản phẩm khoa học và tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ;

đ) Các ủy viên phản biện đọc nhận xét và kết quả đánh giá, các thành viên hội đồng nhận xét, đánh giá trao đổi, thảo luận;

e) Các thành viên Hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ về kết quả và các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ. Chủ nhiệm nhiệm vụ và các cá nhân có liên quan trả lời các câu hỏi của Hội đồng (nếu có);

g) Đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến (nếu có);

h) Thành viên Hội đồng đánh giá kết quả theo hình thức bỏ phiếu theo mẫu (PL20-PĐGKQ); nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đánh giá xếp loại "Đạt" phải có ít nhất 5/7 thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu đánh giá xếp loại "Đạt";

i) Kết quả đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ghi vào biên bản họp Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ theo mẫu (PL21-BBNT);

Trường hợp Hội đồng đánh giá xếp loại “Không đạt”, Hội đồng có trách nhiệm xem xét, xác định những công việc đã thực hiện theo thuyết minh nhiệm vụ được phê duyệt và các hợp đồng thực hiện công việc có liên quan, làm rõ nguyên nhân “Không đạt” (chủ quan, khách quan). Hội đồng thảo luận để thống nhất từng nội dung kết luận và thông qua biên bản.

6. Ý kiến kết luận của Hội đồng được Vụ Khoa học và Công nghệ gửi cho tổ chức chủ trì trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi kết thúc phiên họp để làm căn cứ cho việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trên đây là nội dung tư vấn về Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 45/2016/TT-BTTTT.

Trân trọng thông tin đến bạn!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào