Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương

Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương được quy định như thế nào? Chào mọi người, em có một vấn đề hi vọng được các anh chị trong Thư Ký Luật giải đáp. Em đang nghiên cứu về pháp luật ngân sách nhà nước, đặc biệt là về quy trình kiểm toán ngân sách địa phương. Em muốn hỏi: Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Em xin cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời! Thái Thành, Hải Phòng.

Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương được quy định tại Điều 7 Quy trình kiểm toán ngân sách địa phương của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 06/2017/QĐ-KTNN như sau:

1. Nội dung đánh giá:

Đánh giá tính đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả, độ tin cậy, những hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ của địa phương và thông tin đã thu thập làm cơ sở đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán.

2. Phương pháp đánh giá:

a) Các phương pháp chủ yếu: Phân tích, so sánh, cân đối, thống kê, chọn mẫu…

b) Cách thức tiếp cận để đánh giá:

- Nhận biết những hình thức kiểm soát nội bộ đang tồn tại ở đơn vị.

- Những hoạt động kiểm soát quan trọng còn thiếu hụt.

- Những hạn chế, yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ.

- Hậu quả có thể gây ra do thiếu hoạt động kiểm soát quan trọng và những hạn chế, yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ.

- Các biện pháp để khắc phục yếu kém của đơn vị.

3. Cách thức tiến hành:

Ngoài các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 8 Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cần chú ý xem xét, đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ của địa phương, phân tích các thông tin thu thập được:

a) Đánh giá tính đầy đủ, độ tin cậy, tính hợp pháp, hợp lệ của các thông tin thu thập được.

b) Tổng hợp, nghiên cứu và phân tích các tài liệu do địa phương báo cáo theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.

c) Thu thập, tổng hợp, phân tích các thông tin liên quan khác về địa phương và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Phân tích, đánh giá tình hình thu, chi ngân sách địa phương (phân tích tổng quát số liệu thu, chi ngân sách của địa phương và các vấn đề liên quan).

đ) Phân tích, đánh giá về môi trường kiểm soát thu, chi ngân sách địa phương.

e) Đánh giá về tổ chức công tác kế toán.

f) Đánh giá về các quy định nội bộ (về tổ chức và hoạt động); kiểm soát, kiểm tra, thanh tra; các quy định quản lý, điều hành thu, chi ngân sách.

g) Đánh giá việc chấp hành các quy định, quy chế nội bộ trong lập, chấp hành, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương của các đơn vị dự kiến được kiểm toán tại địa phương.

h) Đánh giá về hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra thu, chi ngân sách (Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Tài chính, Cơ quan Thuế, Kho bạc nhà nước và các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện;...).

i) Đánh giá tổng hợp về độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ của địa phương.

Thủ tục đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện theo quy định tại Đoạn 18 đến Đoạn 44 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính.

Trên đây là nội dung quy định về việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 06/2017/QĐ-KTNN.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách địa phương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào