Lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện nào về học vấn, chuyên môn?

Điều kiện về học vấn, chuyên môn đối với lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Gần đây, khi xem tin tức và đọc báo mảng giáo dục, tôi thấy một vài bài viết và chương trình đề cập đến việc nâng cao chất lượng quản lý công tác học tập, sinh sống của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam. Cho tôi hỏi, để được học tại Việt Nam, lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện nào về học vấn, chuyên môn? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Lê Đình Vũ (vu***@gmail.com)

Ngày 25/02/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 03/2014/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Quy chế này quy định công tác quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, bao gồm: điều kiện, trình tự tiếp nhận lưu học sinh; đào tạo và quản lý lưu học sinh; quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh; tiếp nhận đào tạo và phục vụ lưu học sinh.

Theo đó, điều kiện về học vấn, chuyên môn đối với lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 5 Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 03/2014/TT-BGDĐT. Cụ thể bao gồm:

1. Lưu học sinh vào học chương trình trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục đối với từng cấp học và trình độ đào tạo.

2. Lưu học sinh vào học tập tại Việt Nam phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định đối với từng trình độ đào tạo và chương trình đào tạo.

3. Lưu học sinh đăng ký học tập, nghiên cứu, thực tập bằng ngôn ngữ khác mà cơ sở giáo dục được phép sử dụng trong đào tạo cần đạt yêu cầu về trình độ ngôn ngữ đó theo quy định cụ thể của từng chương trình. Lưu học sinh là người bản ngữ (của ngôn ngữ sử dụng trong học tập, nghiên cứu, thực tập) hoặc đã tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, đại học hoặc thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngôn ngữ đó thì được miễn yêu cầu về ngoại ngữ.

4. Lưu học sinh vào học các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn đã được thỏa thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo hoặc theo hợp đồng đào tạo đã ký kết.

5. Lưu học sinh vào thực tập chuyên ngành phải đáp ứng các điều kiện về học vấn và chuyên môn theo yêu cầu của cơ sở giáo dục tiếp nhận thực tập sinh.

6. Lưu học sinh vào học các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, thể dục thể thao) ngoài những điều kiện quy định tại Điều này còn phải đạt các yêu cầu của các kỳ thi hoặc kiểm tra về năng khiếu theo quy định của cơ sở tiếp nhận.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về điều kiện về học vấn, chuyên môn đối với lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 03/2014/TT-BGDĐT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Học sinh

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào