Nhiệm vụ của thuyền phó hành khách trên tàu biển Việt Nam được quy định như thế nào?

Nhiệm vụ của thuyền phó hành khách trên tàu biển Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Kim Nhã hiện đang sống và làm việc tại Kiên Giang. Tôi đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu. Tôi đang tìm hiểu về nhiệm vụ của các thuyền viên trên tàu biển Việt Nam. Theo như tôi biết thì trên tàu sẽ có rất nhiều thuyền viên giúp cho tàu hoạt động, mỗi thuyền viên sẽ được giao nhiệm vụ khác nhau. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi nhiệm vụ của thuyền phó hành khách trên tàu biển Việt Nam được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Nhiệm vụ của thuyền phó hành khách trên tàu biển Việt Nam được quy định tại Điều 12 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 15/09/2017, theo đó: 

Thuyền phó hành khách chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng. Thuyền phó hành khách có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức, quản lý bộ phận phục vụ hành khách và đảm nhiệm các công việc liên quan đến vận chuyển hành khách, hành lý trên tàu.

2. Bảo đảm buồng hành khách, câu lạc bộ, các khu vực nghỉ ngơi, giải trí, nhà bếp, các buồng để dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hành khách, buồng ở của bộ phận phục vụ hành khách luôn luôn ngăn nắp, gọn gàng, sạch, đẹp; trước khi nhận hành khách cùng với bác sỹ tiến hành kiểm tra buồng hành khách.

3. Tổ chức đón, trả, sắp xếp chỗ ở, phục vụ đời sống về vật chất và tinh thần cho hành khách; bán và kiểm soát vé đi tàu; báo cáo thuyền trưởng về số lượng vé cần bán ở cảng đến.

4. Tổ chức quản lý tài sản thuộc bộ phận mình phụ trách, lập kế hoạch bổ sung hoặc thay thế dụng cụ, trang thiết bị nhằm bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng.

5. Thường xuyên kiểm tra theo dõi trật tự, vệ sinh, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổthuộc bộ phận mình phụ trách.

6. Trước khi tàu nhận hành khách, phải kiểm tra việc đóng các cửa kín nước, chằng buộc và sắp xếp cố định các vật dụng thuộc bộ phận mình quản lý.

7. Kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc phục vụ hành khách thuộc bộ phận mình phụ trách.

8. Giám sát việc chế biến các món ăn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đúng định lượng suất ăn cho hành khách.

9. Cùng với bác sỹ tổ chức kiểm tra định kỳ về sức khỏe cho thuyền viên thuộc bộ phận mình phụ trách; kịp thời phát hiện và báo cáo thuyền trưởng những trường hợp thuyền viên không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ hành khách.

10. Thu thập ý kiến của hành khách và báo cáo thuyền trưởng để có biện pháp giải quyết kịp thời.

11. Lưu giữ chìa khóa dự trữ của các buồng hành khách đúng nơi quy định.

12. Thường xuyên kiểm tra việc bảo quản kho tàng, tài sản và đồ dùng phục vụ hành khách.

13. Lập nội quy cho các bộ phận phục vụ thuộc mình quản lý và phân công nhiệm vụ cho thuyền viên phục vụ hành khách trình thuyền trưởng duyệt. Tổ chức thực hiện nội quy khi đã được thuyền trưởng phê duyệt.

14. Sau 24 giờ kể từ khi kết thúc chuyến đi, phải trình thuyền trưởng duyệt bản quyết toán thu, chi của bộ phận phục vụ hành khách và nộp báo cáo đó cho chủ tàu.

Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ của thuyền phó hành khách trên tàu biển Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 23/2017/TT-BGTVT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tàu biển

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào