Hoạt động chi tiêu cơ sở từ nguồn ngân sách nhà nước

Hoạt động chi tiêu cơ sở từ nguồn ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Phan Văn Trường, hiện tại tôi đang là sinh viên. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động chi tiêu ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên vứu khoa học của bản thân. Cho tôi hỏi, hoạt động chi tiêu cơ sở từ nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Phan Văn Trường (phantruong*****@gmail.com)

Hoạt động chi tiêu cơ sở từ nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 69/2017/TT-BTC hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm. Cụ thể là:

Chi tiêu cơ sở là nhu cầu chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ; chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và theo từng lĩnh vực chi ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó:

1. Chi đầu tư phát triển cơ sở là tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết và vốn vay nước ngoài theo quy định) cho các chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được bố trí (hoặc cam kết bố trí) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm nguồn ngân sách nhà nước, đang triển khai và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian 03 năm kế hoạch; cụ thể gồm:

a) Vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định đến hết kế hoạch năm trước chưa bố trí được nguồn để thanh toán;

b) Vốn thu hồi các khoản ứng trước dự toán để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Vốn đầu tư cho các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới trong năm hiện hành và tiếp tục thực hiện trong năm tiếp theo, bao gồm cả vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn nước ngoài; vốn nhà nước đóng góp để đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP);

d) Vốn thực hiện các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên cơ sở là tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm trước, đang triển khai và tiếp tục thực hiện trong thời gian 03 năm kế hoạch; được xác định bằng số dự kiến kinh phí thường xuyên của năm liền trước năm kế hoạch và bù trừ (cộng hoặc trừ) các yếu tố điều chỉnh chi tiêu thường xuyên cơ sở của năm đó, bao gồm:

a) Biến động (tăng, giảm) về chi phí tiền lương, tiền công, các loại phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của người hưởng lương khi được nâng bậc lương, chuyển ngạch công chức, viên chức theo quy định của pháp luật có liên quan, được cấp có thẩm quyền xác nhận;

b) Biến động (tăng, giảm) của đối tượng chi theo các chế độ, chính sách do cơ quan có thẩm quyền ban hành, được cấp có thẩm quyền xác nhận;

c) Biến động (giảm) của các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đã kết thúc, hết hiệu lực thi hành, hay bị buộc phải cắt giảm dự toán theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

d) Thực hành tiết kiệm chi tiêu thường xuyên (giảm) để dành nguồn tăng cho các nhu cầu chi tiêu mới;

đ) Các khoản điều chỉnh khác (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động chi tiêu cơ sở từ nguồn ngân sách nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 69/2017/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào