Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng

Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Phạm Hữu Đức. Tôi đang tìm hiểu các quy định liên quan đến hoạt động trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ của các lực lượng Cảnh sát cơ động. Theo như tôi tìm hiểu thì các lực lượng Cảnh sát cơ động muốn sử dụng công cụ hỗ trợ phải đề nghị cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Sau khi được cấp phép thì mới được tiến hành mua công cụ hỗ trợ. Vậy cho tôi hỏi, thủ tục cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được thực hiện như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Phạm Hữu Đức (huuduc*****@gmail.com)

Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định tại các Khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Cụ thể là:

Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định sau đây:

- Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ được cấp đối với các loại súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, đánh dấu; các loại dùi cui điện, dùi cui kim loại. Đối với các loại công cụ hỗ trợ khác thì cấp Giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ;

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ bao gồm: văn bản đề nghị nêu rõ số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng công cụ hỗ trợ; bản sao Giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ; bản sao hóa đơn hoặc bản sao phiếu xuất kho; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;

- Hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ bao gồm: văn bản đề nghị nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu từng loại công cụ hỗ trợ. Trường hợp mất, hư hỏng Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc Giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ phải có văn bản nêu rõ lý do và kết quả xử lý; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế, cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

- Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ chỉ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị và có thời hạn 05 năm. Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ hết hạn được cấp đổi; bị mất, hư hỏng được cấp lại;

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Quốc phòng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào