Hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn

Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Lê Hoàng Thảo Vy, tôi đang là giáo viên tình nguyện ở một tỉnh vùng núi phía Bắc. Ở đây, đa số là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống hết sức khó khăn. Tôi nghe nói trong thời gian tới, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Nhưng theo như tôi biết, họ đều đã được vay chính sách tín dụng phát triển nông thôn rồi. Cho tôi hỏi, học có được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi lần này hay không? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Lê Hoàng Thảo Vy (016344*****)

Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 6 Thông tư 02/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 07/07/2017. Cụ thể là:

1. Đối tượng vay vốn tín dụng quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 1 Thông tư này có thể vay vốn một hoặc nhiều lần nhưng tổng dư nợ cho vay không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ, không phải dùng tài sản bảo đảm tiền vay, được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn.

2. Đối tượng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định tại Điểm a, khoản 2, Điều 1 Thông tư này đã được hưởng chính sách vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách khác vẫn được vay vốn tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg (trừ trường hợp đã vay vốn theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ).

3. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và được hưởng chính cách ưu đãi quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg (trừ trường hợp đã vay vốn theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ).

4. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Căn cứ quy định trên, nếu các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ tới thuộc đối tượng chưa hoặc thiếu đất sản xuất và không thuộc trường hợp vay vốn theo diện chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Nghị định số 75/2015/NĐ-CP thì vẫn được chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo Thông tư 02/2017/TT-UBDT. Nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ, không phải dùng tài sản bảo đảm tiền vay, được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn.

Do đó, trường hợp các hộ gia đình mà bạn đang đề cập chỉ đang vay chính sách tín dụng phát triển nông thôn mà không vay vốn theo chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi này.

Trên đây là nội dung tư vấn của ban biên tập Thư Ký Luật về Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 02/2017/TT-UBDT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vùng dân tộc thiểu số

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào