Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam trong các trường hợp nào?

Các trường hợp nào bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thùy Trâm sinh viên năm 2 khoa Kinh tế của một trường Đại học trên Địa bàn TP Hà Nội, tôi có một thắc mắc muốn được hỏi Ban biên tập Thư Ký Luật như sau, việc các cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam có trường hợp nào bị thu hồi giấy đó khi thời hạn hoạt động trong giấy đăng ký đang còn thời hạn hay không? Tôi có thể tham khảo vấn đề này tại văn bản nào? Mong sớm nhận được sự phản hồi từ các bạn, Chân thành cảm ơn! Thùy Trâm (tramthuy***@gmail.com)

Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 91/2013/TT-BTC hướng dẫn đăng ký thành lập, tổ chức và hoạt động văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Có quy định như sau:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện trong các trường hợp sau:

a) Công ty mẹ, văn phòng đại diện vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối theo pháp luật Việt Nam, giao dịch nội bộ, thao túng thị trường và các giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật chứng khoán Việt Nam; không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ;

c) Hoạt động sai mục đích, không đúng chức năng hoặc không đúng nội dung quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện hoặc các quy định pháp luật khác về hoạt động của văn phòng đại diện;

d) Không gửi báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

đ) Công ty mẹ chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể; hoặc công ty mẹ bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất mà tổ chức hình thành sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đề nghị chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam;

e) Văn phòng đại diện không tiến hành hoạt động trong thời hạn mười hai (12) tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Như vậy không phải tất cả các văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động là được duy trì hoạt động theo đúng trong giấy đã đăng ký mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, mà các văn phòng đại diện của nước ngoài tại Việt Nam cũng có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trong các trường hợp như, công ty mẹ vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, văn phòng đại diện trong nước không cung cấp hoặc cung cấp sai các giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, và các trường hợp khác theo luật định.

Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng chứng khoán đại diện của nước ngoài tại Việt Nam. Để hiểu rõ chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm tại Thông tư 91/2013/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng khoán

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào