Xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được xử lý thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nên tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được xử lý thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Thanh Vương (vuong***@gmail.com)

Xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại Điều 7 Nghị định 206/2013/NĐ-CP quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:

1. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định này được xử lý theo thứ tự sau đây:

a) Doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật.

b) Dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp.

c) Hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tùy theo trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường theo quy định của pháp luật, chênh lệch giảm giữa giá trị khoản nợ với giá bán được bù đắp bằng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.

3. Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi đã được xử lý (trừ trường hợp bán nợ) nhưng khách nợ còn tồn tại thì các doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và có các biện pháp để thu hồi nợ, nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị doanh nghiệp theo quy định. Các cơ quan tiếp nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi đối với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi tuy đã được xử lý nhưng khách nợ còn tồn tại. Trong thời gian chưa thực hiện bàn giao, doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi các khoản nợ này.

4. Các doanh nghiệp được xử lý và hạch toán một lần các khoản nợ không thu hồi được vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm theo các quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 206/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào