Phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến

Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến được pháp luật quy định như thế nào?

a) Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 261, nhưng nếu lợi dụng chức vụ quyền hạn cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì lại thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262.
 
Việc xác định người phạm tội có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay không, cũng tương tự như trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với tội làm trái các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng trường hợp này là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
 
Nếu so sánh giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự nguy hiểm hơn, vì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, còn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
b) Phạm tội trong thời chiến Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 261, chỉ khác ở chỗ hành vi của người phạm tội là hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không phải hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
 
Nếu so sánh giữa hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến với hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến thì hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến nguy hiểm hơn, người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, còn người phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến chỉ có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
 
Như vậy, nếu so sánh giữa hai tội phạm này thì có những bất hợp lý về hình phạt quy định ở khoản 2 Điều 262. Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến cũng như trong thời bình lại ít nguy hiểm hơn người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến, nhưng lại nguy hiểm hơn người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình
 
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262 thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
 
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, phạm tội chưa gây hậu quả nghiêm trọng, thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 phạt dưới một năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262 cũng phải rất thận trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trách nhiệm hình sự

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào