Hồ sơ khai quật khảo cổ được quy định như thế nào?

Hồ sơ khai quật khảo cổ được quy định như thế nào? Bạn đọc Nguyễn Tiến Oanh, địa chỉ mail nguyen****@gmail.com hỏi: Tôi hoạt động cho một đơn vị chuyên về khảo cổ học tại Tp.HCM. Cho tôi hỏi: Hồ sơ khai quật khảo cổ được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật sớm trả lời giúp tôi. Xin cám ơn!

Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới hồ sơ khai quật khảo cổ được quy định tại Văn bản hợp nhất 3210/VBHN-BVHTTDL năm 2013 về Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, được hợp nhất từ Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL (Có hiệu lực từ ngày 30/01/2009) và văn bản sửa đổi, bổ sung là Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL (Có hiệu lực từ ngày 25/7/2011), theo đó: 

Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, các tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải xây dựng báo cáo sơ bộ và hồ sơ khai quật khảo cổ.

Hồ sơ khai quật khảo cổ bao gồm các thành phần sau:

a) Nhật ký khai quật khảo cổ;

b) Bản vẽ (hiện trường, hiện vật), bản ảnh (hiện trường, hiện vật), bản dập;

c) Phiếu hiện vật, bảng thống kê các di vật khảo cổ;

d) Các kết quả phân tích mẫu vật (nếu có) và các tài liệu viết, nghe, nhìn khác có liên quan đến cuộc khai quật;

đ) Báo cáo khoa học.

Báo cáo khoa học bao gồm những nội dung: trình bày chi tiết quá trình khai quật khảo cổ với những nhận định về loại hình di vật khảo cổ, tính chất và niên đại của địa điểm khảo cổ qua nghiên cứu so sánh với các địa điểm khảo cổ khác có liên quan; kiến nghị, đề xuất, giải pháp, bảo quản và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ;

Báo cáo khoa học phải có chữ ký của người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ và xác nhận của người đứng đầu tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

Hồ sơ khai quật khảo cổ phải được hoàn thành trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc khai quật khảo cổ. Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian hoàn thành Hồ sơ khai quật khảo cổ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ. Hồ sơ khai quật khảo cổ phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chân thực và đầy đủ.

Hồ sơ khai quật khảo cổ được sao gửi về Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ, và lưu tại tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ và tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ ngay sau khi hoàn thành Hồ sơ khai quật khảo cổ.

(Điều 22 Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 3210/VBHN-BVHTTDL)

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về hồ sơ khai quật khảo cổ, được quy định tại Văn bản hợp nhất 3210/VBHN-BVHTTDL. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!  

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào