Trách nhiệm lập và xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình

Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là bộ đội về hưu. Tôi đang muốn tìm hiểu một số thông tin về việc ban hành quy định pháp luật. Mong ban biên tập tư vấn giúp tôi. Trách nhiệm lập và xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình được quy định thế nào? Văn bản nào quy định điều đó. Mong ban biên tập tư vấn giúp tôi. Xin cám ơn!

Trách nhiệm lập và xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình được quy định tại Điều 46 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 như sau:

Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịchỦy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phân công cơ quan, đơn vị chủ trì lập đề nghị.

Cơ quan, đơn vị được phân công lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh tiến hành các hoạt động quy định tại Điều 34 của Luật này.

Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đơn vị được phân công lập đề nghị có trách nhiệm lấy ý kiến của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước khi báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức phiên họp để xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo trình tự sau đây:

- Đại diện cơ quan, đơn vị được phân công lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình bày tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

- Đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

- Đại diện cơ quan, tổ chức khác tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận thảo luận và biểu quyết thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Chính sách được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy bantrung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận biểu quyết tán thành.

Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo trình tự sau đây:

- Cơ quan, đơn vị được phân công lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh báo cáo Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

- Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định việc trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Đại biểu Quốc hội tự mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ để lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; trường hợp đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thì đại biểu Quốc hội xem xét, quyết địnhviệc trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo trình tự sau đây:

- Cơ quan hỗ trợ đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh báo cáo đại biểu Quốc hội về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

- Đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định việc trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Trên đây là quy định về trách nhiệm lập và xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính phủ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào