Ai chịu trách nhiệm về chất lượng dược liệu, vị thuốc trong y học cổ truyền?

Người nhà tôi vừa đi bốc thuốc đông y để chữa bệnh. Tuy nhiên, mới dùng thang thuốc đầu tiên đã bị dị ứng. Các bác sĩ tây y cho biết, có thể trong thành phần của thang thuốc có một số nguyên liệu làm vị thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xin hỏi, có quy định nào về quản lý chất lượng các vị thuốc dùng trong y học cổ truyền? Ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng dược liệu, vị thuốc đó?

- Tại Thông tư số 05/2014/TT- BYT của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ 1-4-2014 có 2 điều quy định về chất lượng và kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền gồm:

Điều 3. Chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

1. Phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định: Đối với dược liệu theo các quy định Dược điển hiện hành (nếu có) hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở do đơn vị xây dựng.

2. Trên bao bì, nhãn đóng gói cần phải tuân thủ quy định hướng dẫn ghi nhãn thuốc của Bộ Y tế.

Điều 4. Kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

1. Các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được cung ứng vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có phiếu kiểm nghiệm hoặc bản sao có công chứng kết quả kiểm nghiệm.

2. Các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền đều phải được kiểm tra, kiểm nhập thông qua Hội đồng kiểm nhập của bệnh viện hoặc bộ phận kiểm nhập của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền chỉ được đưa vào trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đạt yêu cầu về chất lượng. Kết quả kiểm tra phải được ghi chép theo từng lô vào sổ kiểm nhập theo mẫu quy định.

3. Hội đồng kiểm nhập trong bệnh viện thực hiện theo quy định tại Thông tư 22/2011/TT-BYT ngày 10-6-2011 của Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của Khoa Dược bệnh viện; bộ phận kiểm nhập do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác quyết định thành lập tối thiểu gồm phụ trách bộ phận dược, kế toán, thủ kho, cán bộ cung ứng.

4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ ít nhất 3 tháng một lần và kiểm tra đột xuất khi cần thiết về chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi kiểm tra phải lập biên bản.

5. Trường hợp có nghi ngờ về chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải kiểm tra và khi cần thiết phải gửi mẫu tới các cơ quan chức năng để kiểm nghiệm. Chỉ được sử dụng sau khi đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào