Chủ thể của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

Chủ thể của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là những đối tượng nào?

    Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có thẩm quyền trong việc khởi tố bị can, kết luận điều tra, truy tố, mới là chủ thể của tội phạm này. Những người có thẩm quyền trong việc khởi tố bị can gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; điều tra viên; kiểm sát viên.
 
    Ngoài những người trên, đối với người phạm tội ít nghiêm trọng là những người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự. Đây là đặc điểm khác với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, vì truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì chỉ những người có thẩm quyền như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; điều tra viên; kiểm sát viên mới thực hiện được, nhưng đối với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thì không chỉ những người trên, mà còn cả những người có trách nhiệm trong việc phát hiện, bắt giữ tội phạm nhưng đã cố tình bỏ lọt tội phạm, bởi vì nếu không bắt giữ, không khởi tố vụ án thì những người có thẩm quyền sẽ không khởi tố bị can được.
 
    Cũng như đối với chủ thể của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không bao gồm thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân. Trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội theo mệnh lệnh của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, mặc dù trước đó đã báo cáo, đề xuất ý kiến “phải khởi tố, phải kết luận điều tra, phải truy tố”, nhưng không có ý kiến phản bác, bảo lưu hoặc báo cáo lên cấp trên mà vẫn đồng tình với quyết định của cấp trên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Tuy nhiên, khi xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này cũng cần xem xét đến mối quan hệ giữa họ với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát. Nếu đó là mối quan hệ khá lệ thuộc, mà điều tra viên hoặc kiểm sát viên không còn cách nào khác buộc phải chấp hành thì được coi là phạm tội do bị ép buộc, cưỡng bức và được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
 
    Trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo quyết định của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, nhưng trước đó đã đề xuất ý kiến “phải khởi tố, phải kết luận điều tra, phải truy tố” và đã bảo lưu ý kiến, đồng thời báo cáo lên Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát về ý kiến của mình thì không phạm tội này.
 
    Trường hợp người có thẩm quyền như Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, không ký bản kết luận điều tra, không ra bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, nhưng không biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là có tội, mà chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên biết rõ là có tội thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát không phải là chủ thể của tội phạm này, mà tùy trường hợp cụ thể họ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào