Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 310 BLHS (tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản)

Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 310 (Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản) là trường hợp nào?

    Cũng như đối với một số trường hợp phạm tội khác, khoản 2 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau, đó là: gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
    
    Khác với hậu quả nghiêm trọng quy định trong điểm c khoản 1 của điều luật, hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi phạm tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản gây ra, trong đó có cả hành vi phá hủy niêm phong hoặc tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
 
    a) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
 
    Tương tự như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, chưa có hướng dẫn hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản gây ra như thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử loại tội phạm này có thể coi hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản gây ra nếu vì phá hủy niêm phong vật chứng mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm, dẫn đến phải đình chỉ vụ án đối với người phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đối với nhiều người phạm tội nghiêm trọng; do tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên nên dẫn đến không có khả năng thi hành án, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức hoặc cong dân từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
 
    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
 
    Đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản gây ra, việc xác định cũng tương tự như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng đã nêu ở trên. Nếu vì phá hủy niêm phong vật chứng mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm dẫn đến phải đình chỉ vụ án đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; hoặc do tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên nên dẫn đến không có khả năng thi hành án, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức hoặc công dân từ trên 300 triệu đồng trở lên.
 
    Đối với các thiệt hại phi vật chất thì phải căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở nơi xảy ra vụ án để đánh giá một cách toàn diện mà xác định hậu quả do hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản gây ra để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
 
    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 310, người phạm tội bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, là tội phạm nghiêm trọng.
 
    Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 bộ luật hình sự phạt dưới 2 năm tù. Nếu thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến 7 năm tù.
 
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kê biên tài sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào