Chửi bới, lăng mạ, làm nhục người khác, bị xử lý thế nào?

Gia đình tôi và gia đình hàng xóm có sử dụng chung một lối đi. Thời gian gần đây, gia đình nhà ông hàng xóm không muốn cho tôi đi chung lối mà yêu cầu tôi mở lối đi đường khác. Gia đình tôi không chịu nên xảy ra mâu thuẫn. Ông ta thường xuyên thường xuyên chửi bới, lăng mạ xúc phạm gia đình tôi. Tôi đã nhắc nhở nhiều lần, bác tổ trưởng dân phố đã đến nhắc nhở gia đình đó nhưng ông ta vẫn tiếp tục chửi bới xúc phạm nghiêm trọng danh dự của gia đình tôi. Cho tôi hỏi hành vi ông hàng xóm sẽ bị xử lý theo pháp luật như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 5 tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013  quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình quy định như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng”.

Vậy, ông hàng xóm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên. Mặt khác, nếu hành vi chửi bới của ông ta với mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự của bác, bác có thể làm đơn gửi tới cơ quan công an. Ông ta có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại  Điều 121 Bộ luật hình sự quy định về tội làm nhục người khác

“Điều 121. Tội làm nhục người khác 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào