Trách nhiệm khi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị

Tôi được giao quản lý và vận hành một máy trộn bê tông của công ty. Do bất cẩn trong khi vận hành, chiếc máy bị hỏng và phải sửa chữa hết 3.000.000 đồng. Công ty bắt tôi phải bồi hoàn toàn bộ số tiền sửa chữa và trừ dần vào lương hàng tháng. Ðề nghị cho biết công ty làm như vậy có đúng pháp luật không?

Theo quy định của Khoản 1, Ðiều 130, Bộ luật Lao động, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương của người lao động.
Theo quy định của Ðiều 101, Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động và mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
Như vậy, trường hợp của bạn rơi vào trường hợp gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng (27.000.000 đồng tại thời điểm hiện nay). Mức bồi thường tối đa là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương của bạn.
Do đó, việc công ty bạn buộc bạn phải bồi hoàn toàn bộ số tiền sửa chữa và trừ dần vào lương hàng tháng hoàn toàn đúng theo các quy định hiện hành.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào